1. Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu

Người Hà Giang có câu nói “Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang”. Cháo ấu tẩu có thành phần nguyên liệu từ củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, nhưng nếu biết cách loại bỏ chất độc đi thì đây lại là một vị thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, cháo ấu tẩu giúp giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương, chữa mất ngủ,… là một món ăn rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người cao tuổi.

Củ ấu tẩu
Từ loại củ độc, đồng bào nơi đây đã chế biến ấu tẩu thành món ăn rất tốt cho sức khỏe.

Cháo ấu tẩu - đặc sản Hà Giang - có quanh năm nhưng muốn ăn thì phải dạo chợ, ghé quán lúc chiều tối. Trước khi đem nấu, ẩu tẩu phải được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm. Sau khi rửa sạch, ninh ấu tẩu thêm khoảng 4 giờ cho mềm và bở ra. Còn gạo nấu cháo gồm cả hai loại: gạo tẻ và gạo nếp để tăng độ sánh dẻo. Tiếp đến, cho ấu tẩu bở tơi cùng gạo và nước dùng từ chân giò lợn vào nấu cùng nhau. Khi cháo chín, cho trứng gà, ớt, tiêu, hành, rau mùi và thưởng thức. Cháo ấu tẩu có màu nâu đậm, vị bùi và mùi thơm đặc biệt. Đó là mùi thơm của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu ninh nhừ, nước hầm chân giò béo ngậy và mùi thơm gia vị.

Có thể nói, ít  loại cháo nào để lại dư vị nhiều như cháo ấu tẩu. Cái beo béo của gạo, của nước chân giò, của trứng gà và mùi thơm thơm quen thuộc với các loại phụ liệu cũng như cay nồng tiêu ớt thì dễ tìm, nhưng vị đắng đắng khác biệt của củ ấu tẩu thì không dễ kiếm, càng không dễ quên.

Cháo ấu tẩu - đặc sản Hà Giang

Rất nhiều người khi đến với Hà Giang, nếu đã được thưởng thức một lần đều muốn tìm đến để ăn lại. Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Cháo đắng ở Hà Giang mùa nào cũng có, nhưng chỉ bán vào ban đêm. Mùa đông lạnh giá ở miền núi được ngồi trong không gian hàng quán ấm áp bếp hồng và thưởng thức món cháo ấu tẩu, cháo đắng Hà Giang cũng là một sự thích thú trong lối ăn chơi cho những người yêu thích khám phá điều mới lạ.

2. Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch

Không chỉ nổi tiếng với những thảm hoa tam giác mạch đẹp đẽ, hoa tam giác mạch còn được người dân Hà Giang chế biến thành món ăn rất ngon và độc đáo. Nếu đến Hà Giang vào mùa tam giác mạch, bạn sẽ có cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng mê mải ấy với bánh tam giác mạch. 

Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân địa phương sẽ thu hoạch hạt cây rồi bán lại cho các hợp tác xã. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng nửa hạt đỗ đen. Vì được trồng trong tự nhiên nên tam giác mạch nơi đây không bị tác động bởi hóa chất độc hại, rất sạch và an toàn.

Hạt hoa tam giác mạch
Hạt hoa tam giác mạch

Sau khi thu hoạch, hạt tam giác mạch được phơi khô, xay bột làm bánh. Bột tam giác mạch không quá mướt mát như bột gạo mà thoáng vị bùi, chút hăng đặc trưng của cây rừng. Tiếp đó, người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem nướng chín trên bếp than hồng. Bánh ăn mộc mạc bùi bùi béo béo nhai kỹ thấy vị ngọt ngào, vừa mềm vừa xốp.

Giá thành của sản phẩm sau khi ra lò nóng hổi từ 7.000 -10.000 đồng một chiếc bánh. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu. Dù không cao giá như nhiều món hàng ở những nơi khác nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần lớn vào sự phát triển ẩm thực, du lịch và kinh tế của vùng cao nguyên đá.

Bánh tam giác mạch nướng

3. Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến ở Hà Giang, và là một món ăn truyền thống của người Thái đen. Những thớ thịt trâu to, dài được tẩm gia vị, ớt, gừng và mắc khén, sau đó đem hun khói và xiên vào que to treo trên gác bếp. Sau một thời gian, miếng thịt trâu khô lại, có vị ngọt đậm đà cùng hương vị đặc trưng.

Thịt trâu gác bếp Hà Giang

Thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi có dịp đến Hà Giang. Nhiều người khi đến đây, không quên mua một ít về làm quà. Nhờ sự yêu thích và truyền tai nhau của du khách, món đặc sản Hà Giang này ngày càng nổi tiếng và có thương hiệu mạnh hơn.

Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp vị dai, ngọt, cay cay ăn kèm với tương ớt hoặc nước chấm mắc khén, hạt đổi, là món ăn đặc sản vùng cao Tây Bắc.

4. Lợn cắp nách

Lơn cắp nách

Lợn cắp nách là một loài lơn lai giữa lợn rừng và lợn Mường. Lợn cắp nách thường có kích thước khá nhỏ, khi bắt, người ta thường kẹp trọn ở nách nên mới có tên gọi như vậy. Loại lợn này được nuôi thả và ăn rau củ dại trong rừng nên thịt nạc, chắc và ngon hơn thông thường.

Lợn cắp nách làm sạch rồi có thể chế biến theo nhiều cách khác. Có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích hay dùng xương để ninh thành món canh ngon. Trong đó món ngon nhất phải kể đến là món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy. Khi ăn, thịt lợn chấm với lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặc hạt dổi, ớt xanh. Hương vị thơm ngon hòa quyện giữa vị hơi chua, chát của lá nhội và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh, khi gắp miếng thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.

Thịt lợn cắp nách

5. Thắng cố

Thắng cố là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông, được chế biến từ nguyên liệu tổng hợp của ngựa bao gồm: đầu, chân, các loại thịt, nội tạng… cùng các loại thảo quả. Trước đây, người Mông chỉ chế biến thắng cố từ ngựa, ngày nay món ăn này còn được chế biến từ các loại thịt khác như trâu, bò, dê…

Thắng cố

Theo dân gian truyền lại, nồi thắng cố đã có lịch sử 300 năm. Thời chiến tranh, không có xoong, nồi hay chảo, người dân vùng cao đã dùng tấm da ngựa làm cái chảo lớn và dùng con ngựa làm thực phẩm. Đến bây giờ, món thắng cố đã trở thành món ăn mang đậm nét đặc sắc văn hóa người dân vùng cao. Với món ăn dân dã mà hấp dẫn có một không hai này, mỗi người khi ghé thăm mảnh đất địa đầu Tổ quốc không thể không thưởng thức để cảm nhận chút hương vị đậm đà, khó quên.

Để nấu một nồi thắng cố ngon, người ta dùng tất cả nội tạng của bò, trâu hoặc ngựa cùng phần thịt xào lăn qua và đổ nước ninh liên lục trong nhiều giờ cùng thảo quả, hạt dổi và xả. Thắng cố được ăn ngay bên cạnh bếp khi vẫn còn nóng và nhâm nhi chén rượu ngô trong cái lạnh của vùng cao thì mới cảm nhận hết được hương vị của món ăn này. Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Chảo thắng cố ít khi thiếu trong các phiên chợ vùng cao. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc bởi có nhiều bạn.

Thắng cố - đặc sản Hà Giang

Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè vui chung. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muôi (muỗng) gỗ. Bên cạnh bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt tươi dầm thật cay. Một muôi thắng cố nóng với chút muối ớt sẽ rất đậm đà. Ăn thắng cố nhất thiết phải có bạn để hỏi thăm chuyện gia đình, chúc nhau sức khỏe và cười vang chợ. Uống rượu đến độ ngà ngà sẽ hát và thổi khèn. Con trai con gái đều có thể say rượu bên bàn thắng cố.

Thắng cố tại chợ phiên Hà Giang
Bạn có thể ăn thắng cố ở các chợ phiên thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú với giá khoảng 20.000 đồng một bát.

6. Xôi ngũ sắc

Hà Giang có rất nhiều món ăn ngon, độc đáo và nổi tiếng, trong đó có món xôi ngũ sắc dẻo thơm. Đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân tộc vùng núi cao này. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật trắng, vàng, tím, đỏ, xanh tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự hoà hợp của màu sắc, hương vị tạo nên món ăn không chỉ ngon mà còn rất bắt mắt.

Xôi ngũ sắc

Cách chế biến xôi ngũ sắc của các vùng cơ bản giống nhau. Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu. Tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: Gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc được tạo nên từ các thành phần nhuộm màu tự nhiên. Màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Còn màu tím dùng lá cơm đen hoặc lá cây sau...

Làm xôi ngũ sắc

Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Khâu này đòi hỏi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ riêng. Có nơi bày thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu, có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, mỗi bậc một màu, có nơi dùng khuôn gỗ đóng thành tháp, nhiều tầng.

Xôi ngũ sắc Hà Giang
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy xôi ngũ sắc tại các phiên chợ ở Hà Giang. Món xôi dẻo thơm mang nhiều màu sắc khác nhau ăn cùng muối lạc bùi béo. Mỗi màu lại tạo nên một mùi thơm riêng biệt cho món xôi ăn mãi không ngán.

7. Bánh cuốn trứng Đồng Văn

Bánh cuốn trứng là món ăn đặc sản mỗi sáng của du khách khi đến Hà Giang. Bánh cuốn ở đây được tráng trên bếp, đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại. Điểm đặc biệt là bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong.

Bánh cuốn trứng Hà Giang

Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon là do sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, đặc biệt là bát nước chấm có vị riêng biệt. Bánh cuốn nơi đây nổi tiếng nhưng không nằm trong nhà hàng sang trọng mà nằm khiêm tốn khuất trong hàng quán đơn sơ ở những con hẻm nhỏ của phố cổ Đồng Văn. Dưới tiết trời se lạnh của buổi sớm mai ngồi bên bếp nấu bánh bốc khói nghi ngút cho ra món bánh cuốn thơm nức, ngậy béo thật khiến du khách xao lòng.

Đây là món “vừa ăn vừa đợi”, bánh được tráng khi có khách gọi trực tiếp trên bếp củi, người bán khi có khách gọi mới tráng bánh, đập thêm trứng lên mặt lớp bột rồi dùng vỏ bánh gói lại. Trứng không chín hẳn mà chín lòng đào, có vị béo ngậy, chấm vào bát nước chấm được ninh từ xương. Thực khách cũng có thể lựa chọn thêm miếng giò trắng ăn kèm.

Bánh cuốn trứng
Món bánh cuốn trứng chủ yếu được bán buổi sáng ở Tp Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và trong một số chợ ở Hà Giang.

8. Rêu nướng

Rêu nướng cũng là món đặc sản của người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang. Rêu này chính là rêu láy từ những khe đá, rêu tươi họ mang về làm sạch bóp cho hết nhớt sau đó nướng lên. Ăn rêu nướng rất lạ miệng mà ngon, đặc biệt là chúng còn rất bổ dưỡng. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.

Rêu nướng Hà Giang
Rêu nướng Hà Giang

Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món. Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây, rêu cũng là một món ăn quý… Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Rêu nướng

Người Tày thường có câu: “Quẹ chí áp, táp chí hơ”, có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín, khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.

9. Cam sành Bắc Quang

Cam Bắc Quang được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang. Bắc Quang đến mùa cam là vàng rực màu mọng nước. Người đi qua thật chẳng thể làm ngơ trước những trái cam hấp dẫn đầy rẫy khắp đường khắp chợ. Đặc biệt, nếu từng ăn cam sành Bắc Quang thì càng không thể chối từ lời mời mọc.

Cam sành Bắc Quang

Cam sành Bắc Quang quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi thơm mát. Quả cam cùi dày nên để được đến 20 ngày mà không bị hỏng. Cam chỉ trồng được trên Hà Giang mới đem lại quả to và hương vị ngọt ngào. Bổ ra thì ruột mọng nước cắn một miếng là thấy ngọt lành, thơm mát sảng khoái vô cùng. Cam sành vì thế luôn là món quà được chọn khi khách ghé Hà Giang đúng mùa.

Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang. Ngoài màu sắc vàng sẫm, cuống nhỏ, cam sành Bắc Quang còn có mùi thơm rất đặc trưng, quả rắn, khi ăn rất thơm và ngọt.

10. Mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà được người H’mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, nuôi ong lấy mật từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại khác. Mật được thu hoạch vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Từ lâu, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được người tiêu dùng biết đến với chất lượng tốt, ong nuôi trong môi trường tự nhiên, nguồn mật được lấy từ hoa Bạc hà dại chỉ có trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc, mang hương thơm mát của bạc hà rất dễ chịu. Mật không chỉ là thức uống hay nguyên liệu chế biến đồ ăn mà còn là một loại thuốc bổ tự nhiên có lợi cho hô hấp và tiêu hóa. Chính vì vậy, mật ong bạc hà có giá trị cao mà cũng là thứ được nhiều người săn đón.

11. Chè Shan tuyết - Trà shan tuyết Fìn Hò

Cây chè shan tuyết tại Phìn Hồ sống cheo leo ở độ cao hàng nghìn mét trên dãy núi Pìn Hò có khí hậu quanh năm mát mẻ. Fìn Hồ trà được chế biến từ búp chè 1 tôm và 2 lá non hái ở những cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 200 tuổi tại vùng núi cao thôn Fìn Hồ, xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì. Hương vị chè tại đây có vị thơm ngon, tinh khiết đặc biệt do thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu thổ nhưỡng ở độ cao trên 1300m.

Hái chè Shan tuyết

Những cây chè Shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết - đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên. Giống chè Shan tiếp thu tinh hoa của trời đất cho ra loại thức uống vừa an toàn, vừa thuần khiết hiếm có. Giữa núi rừng, ở bậc cửa nhà người đồng bào thưởng trà Shan tuyết là mong muốn trải nghiệm của rất nhiều người.

Chè Shan tuyết

Người ta nói pha trà Shan tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Nhấp môi sẽ thấy chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn.

12. Rượu ngô

Rươu ngô

Rượu ngô là đặc sản Hà Giang chẳng bao giờ có thể thiếu trong các phiên chợ. Rượu ngô nấu ngon nhất là rượu của người dân tộc Mông, được nấu từ thứ ngô mọc trên đá và men lá truyền thống rượu mang vị ngọt, thơm của ngô. Rượu được nấu từ thứ ngô bản địa của Cao nguyên đá cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô. Rượu uống nhiều chỉ có say chứ không bị mệt, nếu uống ít thì thấy khỏe người hơn vì rượu nhẹ chỉ khoảng 25-30 độ. Rượu ngô xuất hiện thường xuyên trong đời sống của bà con vùng cao, từ phiên chợ hàng tuần đến các dịp lễ tết quan trọng. Rượu ngọt ngào nhưng nồng nàn len sâu vào trong cổ rồi bừng lên xua giá xung quanh.

Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có riêng cho mình loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế.

Làm rượu ngô
Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ này. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy.

Trong mỗi phiên chợ, ngoài những thứ nông sản phục vụ đời sống, một “đặc sản” không thể thiếu được thường xuyên trao đổi buôn bán và dùng ngay tại chỗ là rượu ngô.

Trên đây là 12 đặc sản Hà Giang hấp dẫn. Nếu có dịp du lịch tại Hà Giang, bạn đường quên thưởng thức những món đặc sản vô cùng độc đáo này. Đây cũng chính là những sản vật quý, đặc trưng của vùng Tây Bắc để bạn có thể mang về làm quà cho người thân.

Bên cạnh đó, để được tư vấn và đặt các tour Hà Giang, tour du lịch Tây Bắc. Bạn hãy liên hệ ngay với Du Lịch X Home qua hotline 0904 19 6969 hoặc 0243 7474 138 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất. Chúc bạn có một chuyến du lịch vui vẻ!!!

CÓ THỂ BẠN THÍCH

Bình luận

Chát 24/24

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -