Côn Đảo – Chốn tâm linh Côn Đảo. Khi nhắc đến Côn Đảo, ai cũng biết nơi đây có hệ thống nhà tù khủng khiếp của Pháp, Mỹ với tổng diện tích hơn 30.000 m2, gồm nhiều trại giam lớn như: Trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, Chuồng Cọp, Chuồng Bò cùng khu nhà Chúa Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương - Nơi chôn cất 20.000 tù nhân chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Trong đó, Nhà Tù Chuồng Cọp là trại giam được Mỹ xây dựng để giam giữ và tra tấn những người theo cách mạng. Chuồng Cọp được dân trong vùng xem là nơi xảy ra nhiều hiện tượng bí ẩn và kì lạ như có tiếng nói, tiếng bước chân hay tiếng la hét vào buổi tối.

Người dân ở Côn Đảo kể rằng nếu lắng nghe kỹ vào ban đêm sẽ thấy được những tiếng la hét, thê lương vang vọng vào đúng thời khắc 23 giờ 59 phút. Những tiếng la hét này vang vọng trong không gian vô cùng thảm thiết và ám ảnh, rùng rợn.

Theo lời kể của các cựu tù Côn Đảo, nguyên nhân của những tiếng kêu này là do trước đây, trên đảo có một bệnh viện lớn chữa trị cho các bệnh nhân chiến tranh. Do thời đó chưa có điều kiện y tế như hiện nay, thuốc men thiếu thốn, các vết thương không có thuốc tê hay thuốc gây mê nên vô cùng đau đớn. Nỗi đau tận xương, tận tụy đó họ không thể nào quên. Và những vong linh đấy vẫn còn kêu khóc thảm thiết về nỗi đau cũ của mình.

Cầu Ma Thiên Lãnh – Côn Đảo
Đến với Di tích cầu Ma Thiên Lãnh bạn sẽ thấy được cảnh đẹp hoang sơ của Côn Đảo. Di tích này nằm trên một đỉnh núi phía Tây tại vùng đất Côn Đảo do thực dân Pháp phát động. Cây cầu được xây lên với mục đích nối liền giữa hai đỉnh núi, phục vụ việc vận chuyển gỗ, xây dựng trại giam và trại kiểm soát tù nhân vượt ngục.

Di tích cầu Ma Thiên Lãnh là nơi thực dân Pháp đã đưa tù nhân làm khổ sai đến để mở con đường phục vụ cho việc giám sát tù nhân vượt ngục và khai thác gỗ của chúng. Di tích này được xây dựng vào năm 1930. Thực dân Pháp cho mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng với mục đích khai thác gỗ, đá để phục vụ công việc xây dựng các công sở, trại giam, cơ quan… và lập nên những trạm kiểm soát giám sát và ngăn chặn các tù nhân vượt ngục.
Những tù nhân bị bắt làm khổ sai ở đây phải chịu muôn vàn khổ nhục. Họ vừa bị ảnh hưởng của địa thế cheo leo hiểm trở, vừa do ăn uống thiếu thốn, nước suối lại rất độc, lao dịch nặng nhọc quá sức, bị đá đè, cây đổ, cai ngục đánh đập, tra tấn, hối thúc… Do đó, mà khi mới xây dựng xong 2 mố cầu đã có tới 356 người phải ngã xuống.

Sở dĩ, nơi đây được gọi là Ma Thiên Lãnh là để gợi nhớ lại 2 mố cầu xây dang dở bằng máu xương của hàng trăm tù nhân. Từ đó những người tù ở đây đã lấy tên ngọn núi Ma thiên Lãnh ở Triều Tiên, nơi có địa thế hiểm ác, cheo leo, khó lên xuống, phỏng theo truyện Tàu "Tiết Nhân Quý Chinh Đông" để đặt tên cho cây cầu này.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, công trình bị bỏ dở. Đến năm 2012, nơi đây được chính thức công nhận là Di tích đặc biệt Quốc gia.

Miếu Bà Phi Yến
Vào năm 1783, Nguyễn Ánh ra Côn Đảo để tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn. Vì thất bại liên tục nên ông đưa hoàng tử Hội An (có tên tục là hoàng tử Cải) tháp tùng cùng linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yến ngỏ lời khuyên Nguyễn Ánh rằng: "Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…".

Chỉ mấy điều khuyên can ấy mà chúa Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình, nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với quân Tây Sơn. Nếu không có các quan cận thần hết lời xin giảm án cho bà, ắt bà không thoát khỏi tội chém đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh vẫn truyền lệnh giam cầm bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng nằm về phía Tây Nam của quần đảo Côn Đảo.

Vừa truyền lệnh giam cầm Thứ phi Phi Yến xong thì Nguyễn Ánh được tin quân Tây Sơn sắp ra đến đảo, ông liền cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy tiếp. Lúc bấy giờ đứa con duy nhất của bà Phi Yến cùng với chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (5 tuổi), vì khóc lóc đòi mẹ nên bị cha mình là Nguyễn Ánh ném xuống biển, xác trôi tấp vào làng Cỏ Ống. Bởi vậy cho tới ngày nay, các du khách du lịch Côn Đảo cũng thường tìm tới làng Cỏ Ống để viếng mộ và miếu thờ của hoàng tử Hội An (Thiếu Gia Miếu).
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, bà Phi Yến đã được hai con vật rất khôn ngoan, trung thành cứu sống, đó là vượn bạch và hắc hổ. Chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống nơi có nấm mộ hoàng tử Hội An. Dân làng Cỏ Ống hay tin đã dựng cho bà một ngôi nhà ở gần đó để tiện bề lui tới bên nấm mộ của con trai mình.

Vào tháng 10 (Âm Lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, tại làng An Hải bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà giở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy, bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.

Vì vậy, xót thương cho số phận của bà Thứ phi Phi Yến yên nghỉ tại làng An Hải, dân làng đã lo việc tống táng và lập miếu thờ bà - người phụ nữ "Trung trinh tiết liệt". Hằng năm, cứ vào ngày 18 tháng 10 (Âm Lịch), người dân Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ của bà rất long trọng và thường là làm cỗ chay để tưởng nhớ về ký ức buồn "Vì một hội làm chay mà bà phải bỏ mình".
Nguồn tin: thitruong.nld.com.vn

CÓ THỂ BẠN THÍCH

Bình luận

Chát 24/24

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -