Tháng 3 âm lịch, trong tiết xuân nắng ấm vùng Tây Bắc cũng là thời điểm hoa ban trổ bông trắng khắp các thung lũng, những đồi nương, cánh rừng. Về lại Điện Biên lần nào cũng ngây ngất với thiên nhiên và say với lòng người…
Hoa ban nở trên vùng núi Điện Biên – Ảnh: Tiến Đạt |
Cuối tháng 3 từ TP.HCM ra Điện Biên, chúng tôi tiếc rẻ vì bỏ mất cơ hội dự lễ hội hoa ban đã diễn ra trước vài hôm (thường tổ chức vào ngày 5-2 âm lịch). Tiếc vì đó là dịp được tận mắt chứng kiến lễ hội hoa ban với cảnh người Thái thể hiện lòng tôn kính với thần rừng, thần hang, thỉnh bái ma núi, ma sông cầu cho quanh năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, bản làng bình yên, ấm no. Đây cũng chính là lễ hội ngợi ca tình yêu bất diệt của chàng Khum và nàng Ban – sự tích dệt nên hoa ban xinh đẹp.
Nụ cười hoa ban
Cũng may chiều hôm trước khi chuẩn bị ghé tham quan các tuyến điểm du lịch tại thị xã Điện Biên gồm nghĩa trang liệt sĩ, đồi A1, hầm của tướng De Castries, bảo tàng, trên đường ngang qua một số con phố, du khách phương Nam đã tận mắt chứng kiến hoa ban trắng thi nhau trổ trên đường.
Nhưng hấp dẫn và no mắt nhất phải kể đến hành trình đoàn vào thung lũng Mường Phăng, cách trung tâm thị xã Mường Thanh khoảng 30 cây số, ngày hôm sau. Đúng như mọi người mường tượng và háo hức, lúc này đã kịp nhìn thấy hoa ban nở trên những cung đường, triền đồi, dưới thung xa. Thời điểm này không có những cánh đồng lúa chín vàng như dịp mùa thu, nên hình ảnh hoa ban cũng kịp đong đầy niềm hứng thú của lữ khách.
Và đây, bên trong những mái nhà sàn của bà con người Thái buổi sớm mai, hoa ban bên hiên nhà nghiêng mình xuống cánh đồng thung lũng Mường Phăng, gần xa ẩn hiện lớp mờ màn sương buổi sớm tạo cảm giác thư thái, thanh bình đến lạ. Với sự cởi mở và thân thiện của mình, hình ảnh những đứa trẻ, phụ nữ địu con và những phụ nữ cần mẫn bên khung vải, càng tạo cho du khách ấn tượng khó phai.
Cũng cần nói thêm về cách tiếp xúc của bà con các dân tộc ở Điện Biên với du khách. Nếu so với tuyến điểm Sa Pa thì Điện Biên chưa thấy xảy ra tình trạng đeo bám, nài ép du khách mua hàng, hoặc trẻ con chạy theo xin tiền… Người dân ở đây chắc đã quen cảnh du khách vào tham quan bản làng nên họ chẳng có gì quá ngạc nhiên, vồn vã nhưng cũng không lạnh nhạt. Họ đón khách bằng chính sự bình thản và tự nhiên. Nụ cười tươi tắn, lạc quan, yêu đời của họ thật sự mang lại trải nghiệm khó quên.
Và không thể quên những địa danh lịch sử như đồi A1 – Ảnh: Tiến Đạt |
Có thể bắt gặp những hình ảnh bình yên như thế này khắp vùng Tây Bắc – Ảnh: Tiến Đạt |
Sự hồn nhiên và thân thiện gây thiện cảm với du khách – Ảnh: Tiến Đạt |
Say với người Thái
Với du khách, văn hóa bản địa càng khác biệt càng tạo sự hiếu kỳ. Chính vì thế, hình thức xây dựng bản văn hóa du lịch, chọn thí điểm tại các bản Ten, Mển, Him Lam II, Phiêng Lơi… đưa vào hoạt động vài năm trước đây tại Điện Biên đến nay được xem là mô hình thành công khi được du khách đánh giá cao và mang lại nguồn thu không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm công việc làm cho bà con đồng bào.
Sự hấp dẫn và độc đáo của chương trình tất cả là do chính người trong bản thực hiện, từ ẩm thực đến văn nghệ… rất bài bản.
Như cách khai thác bản văn hóa du lịch ở bản Ten nhiều người đã ghi dấu cộng cho vùng đất này. Khu đón tiếp và phục vụ du khách tại bản Ten (cũng như các bản văn hóa du lịch khác) là nhà sàn thiết kế theo đúng kiến trúc người Thái. Đón khách từ đầu cổng là cô gái hoặc người phụ nữ trong trang phục truyền thống phụ nữ Thái, trên đầu đội khăn piêu khá duyên dáng.
Khách sẽ được mời bước lên bậc thang nhà sàn, nơi đặt các bàn ăn thấp, ghế bệt với nhiều món ăn do chính người trong bản chế biến. Nguyên vật liệu nấu là cá do chính tay họ đánh bắt dưới suối, lợn nuôi trong nhà, các loại rau trồng trong vườn và hái trong rừng. Thật thú vị, ngay trong mùa hoa ban nở du khách được thết đãi những món chế biến từ loài hoa này.
Nụ cười Điện Biên – Ảnh: Tiến Đạt |
Rượu không say nhưng say lòng người – Ảnh: Tiến Đạt |
Thức uống mời khách là rượu được nấu từ ngô. Cách uống rượu của người Thái khác so với đồng bào các dân tộc vùng Tây – Đông Bắc. Nút chai rượu là một khúc tre hoặc gỗ, trên đầu khoét lỗ để khi nghiêng chai rượu sẽ từ từ chảy vào ly. Nếu bà con các vùng khác uống rượu xong thể hiện lòng mến nhau bằng cách bắt và siết chặt tay, thì khi khách uống với phụ nữ Thái thể hiện tình cảm chân thành bằng cách cùng ôm họ, một tay đặt lên eo người đối diện, tay còn lại vòng qua cổ người đối diện để đưa ly rượu vào miệng uống. Rất tình cảm!
Chẳng những đến đây khách được thưởng thức món ngon, rượu thơm, cách mời rượu đầy nghĩa tình, mà còn là dịp quý hiếm được ngây ngất với tiếng hát, điệu múa của phụ nữ Thái xinh đẹp. Những bài dân ca, tình ca, điệu xòe mang hơi thở hoang vu, huyền bí, phóng khoáng núi rừng quyến rũ lòng người.
Cuộc vui kết thúc bằng tiết mục cùng nắm tay tham gia điệu múa hát tập thể giữa khách và người bản địa, trong niềm vui ngây ngất và bịn rịn trước lúc chia tay.
TIẾN ĐẠT
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận