9 CÂU CHUYỆN MA Ở SÀI GÒN
Những câu chuyện được dân địa phương kể lại, đích thân bạn Tèo đến từng nơi thu thập tin tức, bảo đảm những chuyện này HOÀN TOÀN MỚI và chỉ có tại Sài Gòn Của Tôi, ông Tèo có một kho chuyện ma ở Sài Gòn mà trên google chẳng bao giờ tìm được.
Ai thích thì share về đọc nhé, hoặc tag mấy đứa sợ ma với khó ngủ dzô đọc cho dzui
Lưu ý: câu chuyện có phần tâm linh, cân nhắc trước khi xem
Tui có vài năm, ngày nào cũng phải hít khói xe ở ngã 6 Công trường Dân chủ. Nhưng phải đến khi có người anh của tui tự dưng bị ngã xe tại đây vào giữa trưa, tui mới bắt đầu biết đến hai từ, Mả Ngụy.
Số là ông anh tui kể, ổng đang đi bắt đầu ôm cua vào vòng xoay, thì tự dưng cảm thấy choáng váng đầu óc, chưa kịp định thần lại, tiếp tục tự dưng, ổng nghe thấy tiếng ai đó kêu rất to. Ngay sau tiếng kêu dứt, tay lái của ổng thuộc hàng cứng, nhanh chóng xòe luôn xuống đường. Rất may là lúc té chỉ bị sờn rách cái quần, mấy xe đi sau cũng đi chậm chậm.
Đến khi ổng kể chuyện này với hai cánh tay nổi hết da gà, thì một ông anh khác khẳng định chắc nịch luôn: “Search Mả Ngụy đi ku”. Thiệt chứ. Search xong như toàn thân như con gà luôn.
“Chiều giông Mả Ngụy cũng giông.
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây.
Sống thời gươm bén cầm tay.
Chết thời một sợi lông mày cũng buông”.
Đầu tiên, khu Mả Ngụy theo nhiều ý kiến có uy tín cao, là khu vực tính bắt đầu từ vòng xoay dân chủ trải dài theo hướng được giới hạn bởi hai con đường là Nguyễn Thượng Hiền – 3/2, kéo dài tới bệnh viện Bình Dân.
Đúng là khu vực này đi vào ban đêm… tối om. Đèn đường như thể bị những tán cây rộng cố tình che khuất, để khi có những cơn gió lùa, âm thanh xào xạc, xào xạc, đi kèm với thứ ánh sáng từ bóng đèn sợi tóc, nhấp nháy, nhấp nháy. Chỗ đen thui, chỗ vàng khè, luân phiên thay nhau, cứ như để che giấu cho hình dáng nào đó, lầm lũi lả lướt trên đường, trốn vào các xó xỉnh.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong những cách xác định chính xác khu Mả Ngụy xưa. Chứ với gần 2000 con người đã nằm xuống cách đây hơn 100 năm, khu vực này còn rải rác tới xuống vòng xoay Lý Thái Tổ (Lê Hồng Phong đâm ra chỗ này cũng hay có hiện tượng “bỗng dưng té xe”), hay tới qua cả nhà thi đấu Phú Thọ.
Sau đây là những thông tin mà tui tổng hợp được về Mả Ngụy nhen:
Đất của oan hồn. Mả Ngụy hay còn gọi là Mả Biền Tru (Mả: mồ mả, Biền Tru: chém ngay, không cần xét xử). Các lão niên sống lâu năm ở Sài Gòn thường nhắc về di tích Đồng Tập Trận hay Mả Ngụy như một vùng đất của oan hồn. Bởi nơi đây là hố chôn tập thể lớn nhất Sài Gòn với gần 2.000 xác người bị chém ngang lưng. Máu nhuốm đỏ một vùng rộng lớn, tử khí bốc lên từ hàng ngàn xác người hơn chục ngày sau vẫn chưa tan.
Tương truyền, tháng 7 âm lịch xá tội vong nhân khoảng 1835-1836, dân Sài Gòn cúng cô hồn liên tục từ 14 đến 30, vẫn bị người âm hiện về kêu khóc vì đói khát, thiếu ăn…
Cái tên Mả Ngụy liên quan mật thiết tới sự kiện Lê Văn Khôi tạo phản triều đình nhà Nguyễn. Sử gia Trần Trọng Kim có ghi lại về cuộc bạo loạn của Lê Văn Khôi như sau: Năm 1832, khi Lê Văn Duyệt – Tổng Trấn Gia Định thành vừa mới mất, tên quan tham ác Bạch Xuân Nguyên vốn có hiềm khích với ông Duyệt, liền lập mưu quấy phá gia đình ông. Xuân Nguyên lấy cớ phụng mật chỉ của vua liền bắt bớ và tra khảo cả nhà Lê Văn Duyệt. Con trai nuôi của Duyệt là Lê Văn Khôi quá uất ức, liền tính chuyện cướp ngục và mưu phản triều đình Huế.
Lê Văn Khôi cướp ngục thành công, liền xông vào dinh giết chết quan bố chánh Bạch Xuân Nguyên. Nguyễn Văn Quế – người cùng lo vụ án Lê Văn Duyệt, đem người đến cứu cũng bị giết chết.
Sài Gòn bấy giờ có thành Bát quái, còn gọi là thành Phiên An với 8 mặt về 8 hướng, do cố Tổng trấn Gia Định – Lê Văn Duyệt xây dựng để giữ an ninh trật tự. Phó lãnh binh thành Phiên An – Giả Tiến Chiêm đem hơn 400 lính chống lại nhưng cũng thua Lê Văn Khôi và 27 người lính phiến loạn. Lê Văn Khôi cho mở cửa tù, thả hết phạm nhân, phát khí giới cho họ, thu phục về phe loạn đảng. Khôi tự xưng là Đại nguyên soái, phong quan tước cho thủ hạ, lập triều đình riêng.
Chiếm được Phiên An thành, Khôi sai Thái Công Triều đem quân đi chiếm các tỉnh thành khác. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Nam Kỳ Lục Tỉnh đã nằm trong tay Lê Văn Khôi.
Để đàn áp “giặc Lê Văn Khôi”, triều đình Huế kéo hàng vạn quân theo đường thủy, đường bộ ồ ạt vào Nam. Triều đình chiếm lại hết các tỉnh thành, vây đánh Sài Gòn. Lê Văn Khôi thất thế, cố thủ tại Phiên An. Triều đình phá thành Phiên An ròng rã hai năm vẫn không vào được thành.
Năm 1834, Lê Văn Khôi chết vì bệnh phù thủng, hưởng dương 37 tuổi. Cái chết của Lê Văn Khôi là khơi nguồn của sự kiện tử hình tập thể đến 1.831 người liên quan đến “loạn đảng”, khiến tử khí bao trùm đất Sài Gòn đến cả tháng chưa tan.
Lê Văn Khôi mất, con trai mới 7 tuổi của ông là Lê Văn Câu được cử lên thay thế. Lúc bấy giờ, hiện trạng thành Phiên An hết sức nguy ngập, thành đang bị bao vây, dịch tả hoành hành, Lê Văn Khôi mất, … khiến sĩ khí lẫn sức lực quân dân đều bị suy kiệt trầm trọng. Tuy vậy, mãi đến tháng 9 năm 1835, triều đình mới phá được thành Phiên An.
Quân nổi dậy bao gồm 1.831 người đều bị giết chết. Triều đình cho đào một chiếc hố khổng lồ ở Đồng Tập Trận để chôn xác. Bất kể già, trẻ, gái, trai, cả con nít còn nằm nôi,… trong thành Phiên An đều bị xử tử ngay sau đó. Xác được vứt xuống hố chôn tập thể, lấy đá đổ đống thành gò làm bia, đề: “nơi bọn nghịch tặc bị giết để tỏ quốc pháp”. Từ đó Đồng Tập Trận còn mang tên là Mả Ngụy.
Riêng có 6 người được gọi là đầu đảng bị đem ra Huế xử lăng trì. Trong đó có Lê Văn Câu mới vừa tròn 7 tuổi và một linh mục người Pháp là Marchand, thường gọi là cố Du.
Theo quốc pháp, Lê Văn Câu và 5 người khác đều bị chặt hết tay chân, rồi cho xẻo từng miếng thịt, đau đớn đến chết mới thôi. Dân chúng còn đồn rằng, triều đình cho khai quật mộ Lê Văn Khôi, đem xương tứ chi quăng cho chó gặm, còn thủ cấp thì băm nhuyễn rải ngoài biển khơi. Tuy nhiên, không có sử gia nào nghiên cứu và chép lại điều này.
Sau, triều đình cho đập thành Bát quái Phiên An, xây một thành mới nhỏ hơn, ít kiên cố hơn là Gia Định thành. Sài Gòn từ đó được biết đến bằng cái tên thành Gia Định.
Sau sự kiện “diệt giặc Lê Văn Khôi”, dân Sài Gòn thời bấy giờ mỗi khi cúng cô hồn thường làm bánh màu xanh đỏ dành cho “đầu lĩnh” Lê Văn Câu mới tròn 7 tuổi và trẻ con bị chết oan bởi binh biến Phiên An.
Một số nhà theo đạo công giáo còn lén mua xì gà và rượu sâm-panh champagne để cúng cho cố Du – tức linh mục người Pháp tên Marchand.
Theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, có thể hình dung Đồng Tập Trận hay còn gọi là Mả Ngụy bắt đầu ở khoảng khu vực Ngã sáu Công trường Dân chủ trải dài theo đại lộ 3 tháng 2, đường Phan Thanh Giản (xưa là đường Legrand de la Liraye – Điện Biên Phủ ngày nay) và khu vực Ngã Bảy (nơi có đường Lý Thái Tổ chạy qua) cho đến tận khu Trường Đua Phú Thọ.
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận