Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một kiểu ăn tết riêng, biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng của dân tộc mình.
Tết nhảy của người Dao
Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Nhà nào nhà ấy đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân.
Người Dao đón Tết bằng tết nhảy gọi là “Nhiang chằm Ðao” để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước tết Nguyên Ðán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã…
Tết của người Mông (H’Mông)
Người H’Mông ở vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc ăn tết rất thịnh soạn, chẳng kém gì ở miền xuôi. Trong nhà trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ là được ưa chuộng nhất. Tết Nguyên đán của người H’Mông gọi là NaoX-Cha. Ðể chuẩn bị sẵn con lợn béo.
Ngoài thịt ra, còn có bánh bằng bột nếp, bánh chưng ít khi dùng. Tết của người H’Mông thường tổ chức giữa mùa đông giá rét, trước hay sau Tết dương lịch chỉ có mấy hôm. Ðêm giao thừa các gia đình thường cử con trai đi “mở nước”, tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên.
Tết của người Thái
Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết. Ðầu tiên là tết Soong Sịp (tết cơm mới) sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ.
Sau tết Soong Síp là tết Kim Lao Mao (tết uống rượu), tết ông Táo và lớn nhất là tết Nen-Bươn-Tiền (tết Nguyên đán).
Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xoè Thái nổi tiếng, tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng giêng mới mãn.
Tết Prơ-Giê-Râm của người Cơ Tu
Vào mùa xuân, lúc bắt đầu vụ mùa lúa mới, đồng bào các huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên ở Quảng Nam tổ chức ăn Tết Prơ-giê-răm. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm. Nhà nhà đều trang trí hết sức đẹp đẽ. Các loại ghẻ, cung nỏ, giáo, mác, thanh la, trống, chiêng được lau chùi cẩn thận. ở nhà Guơi (nhà làng) người ta dựng cột đâm trâu bằng cây gạo trạm trổ, sơn vẽ đẹp mắt.
Nhiều sinh hoạt văn hoá diễn ra tại nhà Guơi như kể chuyện, nhảy múa, hát dân ca. Con gái được dịp trao đổi tâm tình và rủ nhau chơi xuân kéo dài cả tháng…
Tết của người Hrê
Tết của người Hrê ở Quảng Ngãi cũng kéo dài suốt vài tháng liền. Mỗi gia đình phải lo nấu bánh tét, làm rượu cho thật nhiều. Nhà giàu có phải nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, hạ vài con trâu để đãi khách và bà con trong buôn làng.
Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát. Ðàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng bập bùng, bập bùng… Họ thích trò chơi nhảy kẹp. Hai người một nam, một nữ dùng một đòn nhảy dài chừng hai mét, trơn láng rồi đập vào nhau. Cứ hai người ngồi đập thì hai người nhảy, thay đổi cho nhau.
Tết Yang Pa của người Chơ Ro
Người Chơ Ro và Chu Ru sinh sống tại Ðồng Nai, Lâm Ðồng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hai tết lớn của đồng bào Chơ Ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch. Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy…
Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ đứng ra khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.
Tết Nhô Lir Bông của người Cơ Ho
Người Cơ Ho hay sinh sống ở Lâm Ðồng. Họ ăn tết sau tết Nguyên Ðán của người Kinh ở miền xuôi độ một tháng, gọi là Nhô Lir Bông, tức tết mừng lúa về nhà. Tết này kéo dài cả tháng.
Hai chữ Lir Bông có nghĩa là cót thóc. Người Cơ Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Yàng ban phát. Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, bắt đầu từ xế chiều với sự tham dự của chủ làng và nhiều gia chủ khác.
Người ta lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ, các con mối đất. Cỏ tranh giã nhỏ để bôi lên ngực, lên trán những thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên những đồ gia dụng.
Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui, cứ thế cho đến cả tháng trời mới mãn.
Lễ tết cổ truyền của người Chăm
Ðồng bào Chăm còn gọi là Chàm, hiện đang sinh sống tại một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận và một số ít tại Châu Giang (tỉnh An Giang). Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng-Katê và Păng-Chabư được xem như cái Tết của họ.
Păng-Katê cử hành vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng 9 dương lịch và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16 tháng 9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch.
Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ các nơi dổ về tại ba nơi hành lễ: đó là đền Pô Nưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thị xã Phan Rang – Tháp Chàm.
Tết Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông tang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi mai, còn Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các lễ thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.
Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tựu về ba nơi hành lễ, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp. Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mai rùa) vừa xướng văn tế lễ. Còn các bà Bóng thì lo dâng rượu và múa mừng.
Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 thì đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn cho mình một ngày duy nhất trong khoảng thời gian qui định mà thôi.
Họ giết lợn, giết gà vịt, bày đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ cho nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian ăn Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.
Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như: Lễ cúng thần nông vào tháng 4 theo lịch Chăm, cử hành vào các đền, tháp; lễ cầu đảo (Chakap Hiâu Kron) cử hành tại các đập nước hay ở các bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng một tháng giêng theo lịch Chăm, để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận