Tại xóm Ba Dầu, làng Mỹ Đông cũ, nay thuộc ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên, H.Cai Lậy, có một di tích xưa, được xây cất từ năm 1846, người dân địa phương gọi là Dinh Cô.

Dinh Cô là cách gọi dân gian của một cái phường (miếu), thờ một cô gái tên Nguyễn Thị Liệu. Trong quyển Nam kỳ nhơn vật diễn ca (quyển 2, tr.66), Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909, có ghi:

Nguyễn Thị Liệu, trinh nữ phường/Nguyên xưa nàng ấy bị cường hãm dâm/
Khi đó tuổi chừng mười lăm/Mình không chịu nhục mạng lầm tay gian/
Vua ban cho tấm biển vàng/Lập phường trinh nữ tại làng Mỹ Đông.

Theo sách Đại Nam liệt truyện thì Nguyễn Thị Liệu người thôn Mỹ Đông, tổng Lợi Mỹ, huyện Kiến Đăng, là một cô gái xinh đẹp, năm 16 tuổi theo cha qua Kompong Chàm buôn bán. Chẳng may có một cường hào tên Thạch Giao bắt hãm hiếp. Cô không chịu ô nhục nên đã cắn lưỡi tuẫn tiết. Tương truyền sau đó cô hiển linh hóa thành thần dẫn đường và báo mộng cho quan quân nhà Nguyễn đánh thắng nhiều trận dẹp loạn, giữ biên cương.

Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1846), cô Nguyễn Thị Liệu được ban tinh bảng (bảng vàng), trên khắc dòng chữ ca tụng:

Sắc tứ Nguyễn Thị Trinh Nữ
Thị Liệu quán Định Tường tỉnh, Kiến An phủ, Kiến Đăng huyện, Lợi Mỹ tổng, Mỹ Đông thôn nữ dã; Thủ trinh dĩ tử bất di cường bạo sở ô; Đặc tứ tinh bảng dĩ vi thiên hạ chi trinh dã khuyến.
Thiệu Trị ngũ niên, thập nhị nguyệt, cát nhật.

Tạm dịch:

Sắc tứ Nguyễn Thị Trinh Nữ
Thị Liệu là gái quê quán thôn Mỹ Đông, tổng Lợi Mỹ, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường; Giữ trinh mà chết không để cho bọn cường bạo làm nhục; Nay đặc biệt ban cho bảng vàng để làm gương trinh liệt khuyến khích trong thiên hạ.
Ngày lành, tháng chạp năm Thiệu Trị thứ V. (*)

Sau đó, triều đình còn sai Công bộ trích 10 lạng bạc và đem gạch vào xây dựng một cái phường treo tấm bảng vàng, ngoài cửa có đặt câu đối ca ngợi:

Thánh đức bao tinh dụng thị tiết liệt khả khuyến/Tiên hương cảm phát, bất vi cường bạo sở ô. (Thánh đức ban bảng vàng, làm gương tiết liệt khuyến khích/Tánh trời sớm cảm phát, nhục nhơ không để người làm).


Bảng vàng sắc tứ Nguyễn Thị Trinh Nữ

Bên trong gian thờ – Ảnh: H.P

Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tập 7, NXB Thuận Hóa, 1993), quy chế của phường là “một ngôi nhà có lòng căn 4 thước 5 tấc (đơn vị đo thời Nguyễn 1 thước dài 0,705 mét), đều dùng gỗ và gạch. Ở khoảng giữa trên sóng nóc nhà làm hình vòm tròn đỏ như ngọn lửa bốc lên, chỗ góc nhà đều làm hình con cù giao, vách gạch ở tả hữu đều đắp vẽ đàng hoàng. Hoành phi cao 1 thước 7 tấc, phía trên khắc hai chữ Sắc tứ…”. Theo lời kể của các bô lão ở địa phương, phường Trinh nữ ở đây gần giống với quy chế mô tả nhưng đặc biệt trong vách hậu ngoài hình vòm tròn tượng trưng cho mặt trời, hai bên còn có cặp phụng vẽ rất đẹp ôm lấy vòm tròn, bên dưới đặt một cái ghế thờ.

Năm 1904, cơn bão năm Thìn làm sập ngôi miếu, người dân địa phương góp công góp của sửa lại nguyên trạng. Mấy năm sau, Nguyễn Liên Phong qua đây còn nhắc: Thiện nam tín nữ bổn hương/Y theo sửa lại tỏ tường như xưa. (Theo Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca).

Đến năm 1930, trong tài liệu khảo cứu địa chí của người Pháp cũng còn ghi chú “Ở đền thờ này người ta thấy có khắc chữ Nguyễn Thị Trinh Nữ hiền đức Thiệu Trị ngũ niên (Theo Monographie de la province de Mytho 1930)”.

Giá trị ngôi miếu không phải ở chỗ quy mô hoành tráng hay những đồ tự khí quý báu mà nó là dấu ấn của cha ông. Việc ban tặng bảng vàng và xây dựng ngôi miếu ở đầu làng là nhằm xiển dương giá trị đạo đức cho người đời noi theo. Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) vua đã ban dụ khuyến khích tôi trung, con hiếu, gái tiết, trai nghĩa, nhấn mạnh “Từ xưa nêu cao người hiếu, biểu tượng người liêm là để rèn tục dân, sáng tỏ giáo hóa”. Cho nên người đời sau, khi ngang qua miếu Trinh nữ làng Mỹ Đông cũng đã làm nhiều bài thơ ca ngợi: Vi sanh tiên sỉ, kế vi manh/Bất ngữ tầm thường, liệt nữ trinh/Vị bạo sở ô kỳ vãn tiết/Sương tàn hà khẳng khứ xuân thanh/Hồn quy thiên thượng càn khôn lão/Phách lạc sa trường thảo linh/Cảm phát thiên lương, Hoàng thượng phổ/Thệ chơn thiên cổ nguyệt thu minh. (Trinh nữ phường hoài cảm – khuyết danh)

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi miếu đã bị người đời sau làm mất dấu tích xưa.

Vào năm 2008, xã Long Tiên tiến hành đắp đê, bê tông hóa con đường ngang qua miếu. Bấy giờ dân địa phương tổ chức dời ngôi miếu đã đập phá toàn bộ kiến trúc cũ. Số gạch có chữ giáp, chữ đinh xây dựng thời vua Thiệu Trị bị vùi chôn xuống nền. Bên cạnh, người ta còn đưa vào đây những tác phẩm như “cửu phẩm liên hoa” làm bình phong cùng hoành phi “Phật quang phổ chiếu” mang nội dung và một số vật dụng quần áo thuộc tín ngưỡng thờ Bà Chúa xứ vào thờ, khiến ngôi miếu trở thành một trú sở hỗn hợp các dòng tín ngưỡng và tôn giáo.

Thật ra việc trùng tu phục chế di tích này không khó, bởi quy mô ngôi miếu khá nhỏ, đồng thời hình ảnh và quy chế trang trí cũng còn được lưu giữ. Vấn đề ở chỗ ai sẽ chịu trách nhiệm bảo tồn di tích của tiền nhân. Và quan trọng hơn là kế thừa và phát huy “trung, hiếu, tiết, nghĩa” như cha ông ta từng làm.

Ngọc Phan – Hoàng Phương

(*) Các văn bản Hán Nôm trong bài này do nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường dịch.

Print Friendly, PDF & Email

CÓ THỂ BẠN THÍCH

Bình luận

Chát 24/24

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ

CHAT VỚI

X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 -