Trường tiểu học Mản Thẩn có 270 học sinh, trong đó 135 em nhà xa, đường xá đi lại khó khăn được sắp xếp ở bán trú. Mỗi tháng, học sinh bán trú được Nhà nước hỗ trợ 460.000 đồng và 15 kg gạo.
Tùy vào số ngày trong tháng, bữa cơm trưa sẽ được tăng nhiều đạm hơn. Bữa trưa trong ảnh của các em có thịt, đậu phụ, trứng và rau.
Có hai cấp dưỡng nấu cơm cho học sinh. Hằng tháng, phụ huynh có con em ở bán trú góp tiền hoặc ngô, thóc để trả cho cấp dưỡng. Số tiền chỉ khoảng vài chục nghìn đồng.
Em Sùng Thị Tuyết Mai, học sinh lớp 3 chia sẻ: “Ở trường được ăn cơm ngon, có thịt lợn, thịt gà, cá, trứng… Ở nhà, bố mẹ em chỉ ăn rau với muối thôi”.
Mản Thẩn là xã khó khăn của huyện Si Ma Cai, Lào Cai. Đây là nơi cư trú của đồng đào dân tộc thiểu số H’Mông, Thái, Dao. Trong đó người H’Mông chiếm số đông.
Cuộc sống của người H’Mông ở đây còn khó khăn, quanh năm chỉ có một mùa ngô, lúa. Người dân chủ yếu ăn ngô hay cơm rau. Số đông bà con không biết tiếng Việt.
Những năm trước tình trạng học sinh bỏ học thường xuyên diễn ra. Khoảng 2 năm nay đường sá đi lại dễ dàng hơn, lại có chế độ ở bán trú nên bà con dân tộc có điều kiện cho con cái đến trường.
Theo thầy hiệu trưởng Vũ Ngọc Hải, ở bán trú, tỷ lệ học sinh chuyên cần cao hơn, sức khỏe tốt và không còn tình trạng bỏ học giữa chừng. Lực học và vốn tiếng Việt của các em cũng được cải thiện.
Trong thời gian ở bán trú, thầy cô giáo sẽ giúp đỡ các em học tập, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài giờ học, các em được hướng dẫn vệ sinh nơi ăn ngủ và trồng rau để cải thiện bữa ăn.
Vào mùa khô, nhà trường không có nước sạch. Để có nước cho học sinh sử dụng, thầy cô giáo bán trú đóng tiền mua nước cho các em.
Phan Dương
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận