Nằm sát chợ Thang Trông thuộc ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết, H.Chợ Gạo (Tiền Giang) có một tấm bia cổ cao chừng 90 cm, đặt bên trong thủ chủ cũ kỹ, mái lợp bằng tôn. Bên cạnh là những tấm ngói xưa còn chất đống.
Hằng ngày người qua lại mua bán nhộn nhịp, nhưng ít ai biết được đó là tấm bia ghi dấu việc đào kênh từ hơn 2 thế kỷ trước.
Lịch sử và bia ký
Vào năm 1705, quân Xiêm từ Chân Lạp theo sông Vàm Cỏ và sông Tiền tấn công nước ta. Chúa Nguyễn sai Chính thống Nguyễn Cửu Vân đem quân đắp lũy tại giồng Kiến Định để ngăn giặc. Để có nước sinh hoạt và đường thủy cho chiến thuyền hoạt động, Nguyễn Cửu Vân đã cho đào kênh Vũng Gù nối liền vàm rạch Thị Cai (Cai vệ Phạm Hoằng Lộc) và ngọn rạch Mỹ Tho tại Hóc Đùn.
Kênh Vũng Gù lâu ngày bùn lấp, ghe thuyền đi lại khó khăn. Khoảng năm Gia Long thứ 18 (1819), từ lời tâu xin của quan Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Huỳnh Đức, triều đình đã chuẩn cho Định Tường huy động hơn 9.000 dân phu cải tạo con kênh này từ tháng giêng đến tháng tư: Hễ đoạn cong thì đào ngay, còn có bùn thì nạo vét. Hai bên có bờ đê cao ráo. Kênh dài 14 dặm (9.000 m), rộng 1 trượng 5 thước (6 m), sâu 9 thước (3,5 m), kéo dài từ Thang Trông đến Hóc Đùn. Khi hoàn tất, mọi người gọi là kênh Mới hoặc kênh Bến Tranh (Tranh giang). Sau này có người nhầm lẫn giữa kênh mới Bến Tranh (Tranh giang tân kênh) với kênh mới Rạch Chanh (cũng gọi Tranh giang tân kênh (nay gọi là kênh Bà Bèo, H.Tân Phước, Tiền Giang).
Khởi công ngày 28 tháng giêng đến mồng 10 tháng tư nhuận thì kênh đào xong, sau đó được vua Minh Mạng đặt tên là Bảo Định. Theo Đại Nam nhất thống chí, trên kênh Bảo Định, thời Nguyễn có lập một số giang trạm, có lẽ vì vậy dân gian thường gọi là Kênh Trạm. Người Pháp thì gọi là Arroyo de la poste nên bị phiên dịch là kênh Bưu điện hay kênh Bưu chính, đi quá xa nguồn gốc. Thời Pháp thuộc, kênh Bảo Định nhiều lần cải tạo kéo dài, nối rạch Mỹ Tho ra tận bờ sông Tiền nên gây sự ngộ nhận là cầu Quay bắc qua kênh Bảo Định.
Ngôi thủ chủ… – Ảnh: H.P |
…và bia ký xưa – Ảnh: H.P |
Giai thoại về thượng phương bảo kiếm
Trở lại nội dung bia ký, trong đó có câu “Khâm sai Gia Định thành Phó Tổng trấn, Thị trung Thống chế Lý Văn Hầu cùng vâng lệnh đến đôn đốc (phụng tựu tấn đồng đốc)”.
Theo tài liệu lịch sử thì vị quan Phó tổng trấn này là Huỳnh Công Lý, cha vợ vua Minh Mạng. Không rõ vai trò “đôn đốc” của viên Phó tổng trấn này ra sao, nhưng trong dân gian có lưu truyền câu chuyện (sau này có người chép lại đưa vào lịch sử) rằng, lúc phóng kênh ông đã cố tình nhắm vào các hộ nhà giàu để vòi vĩnh, hối lộ. Bị dân làng tố cáo, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đã dùng thượng phương bảo kiếm “tiền trảm hậu tấu”: chém đầu. Ngoài ra, trong quyển Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1885, cũng kể lại rằng trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế, Huỳnh Công Lý đã có liên hệ bất chính với những người vợ của Lê Văn Duyệt ở Gia Định, vì vậy đã bị Lê Văn Duyệt chém đầu…
Tuy nhiên, sách Đại Nam thực lục thì chép rằng: Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng (Huỳnh) Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên…
Mặt khác, trong bản Ngự chế văn (do Trần Văn Quyền dịch. Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội xuất bản năm 2000) dụ của vua Minh Mạng ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) cũng đã công bố tội trạng của Huỳnh Công Lý ở Gia Định: “Đến khi y trở lại nhận chức Phó tổng trấn Gia Định, lòng tham lại càng quá đáng. Nay bị binh lính, dân chúng, thợ thuyền Gia Định tố giác. Quan Tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn đe sau này…”. Đặc biệt, vua Minh Mạng cũng đã tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng của mình: “Từ nay về sau bất kể quân lính trong ngoài, gặp phải các viên biền tham lam ngược đãi như vậy mà vướng chỗ quyền thế không nói ra được thì cho phép tâu trình, trẫm sẽ tìm ra căn nguyên để trị tội kẻ tham nhũng”.
Đại Nam thực lục chính biên là quyển sách do Quốc sử quán của triều Nguyễn, cơ quan biên soạn lịch sử chính thức, cho nên căn cứ vào Thực lục và một số văn bản triều Nguyễn còn lưu giữ thì chuyện dùng thượng phương bảo kiếm để tiền trảm hậu tấu có lẽ chỉ là giai thoại mà thôi.
Ngọc Phan – Hoàng Phương
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận