Bên cạnh các dây lạp xưởng, người bán đặt sẵn bếp than hồng và vài ba ổ bánh mì. Lạp xưởng bò được xắt thành từng cục, xiên vào que và nướng sẵn. Khách tới mua thì người bán mới nướng lại xiên lạp xưởng, tiện thể để ổ bánh mì lên cho nóng.
Bánh mì ở Tịnh Biên ổ thon dài, ruột nhiều. Không giống những vùng miền khác, bánh mì ở đây không ăn cặp với dưa leo hay cà chua mà đi kèm với đu đủ mỏ vịt bào sợi đã được ngâm sơ.
Người bán cũng không chan nước, xịt thêm nước tương hay rắc muối tiêu mà chan miếng tương xay kèm theo một chút tỏi, ớt ngâm.
Chỉ với 10.000 đồng, khách đã có ổ bánh mì đầy đu đủ kèm theo 2 xiên lạp xưởng. Bánh mì kẹp lạp xưởng bò Tịnh Biên ăn lạ miệng. Bánh giòn và thơm, lạp xưởng dai dai, béo béo, đu đủ nhai sựt sựt quyện với vị mặn, ngọt của tương và vị cay nồng của ớt.
Có thưởng thức rồi mới biết chỉ một món bánh mì mà mỗi vùng mỗi khác, đa dạng vô cùng. Các món ăn ở vùng Bảy Núi từ xưa tới nay nổi tiếng là độc đáo và phong phú. Khách phương xa tới ăn là mê. Bởi vậy khi ra về, ai cũng tay đùm tay xách hàng đặc sản để làm quà.
Lạp xưởng bò, lạ mà ngon
Chiều, mình về thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, An Giang). Những hạt mưa mịn như tơ xiên rắc khắp bầu trời đầy thi vị. Bất chợt mình nghe mùi thơm của ngũ vị hương, của thịt bò chín tới lan chiếm khứu giác nhẹ nhàng nhưng quyến rũ.
Lần theo sức hút ấy, mình thấy trước hiên nhà một người đàn bà ngồi bên bếp than hồng lăn trở luôn tay những khoanh lạp xưởng trắng đục đến khi dần trở màu đỏ thắm thì gắp ra đĩa.
Em bật thốt: “Tung lò mò”. Bà chủ cười, lắc đầu: “Lạp xưởng bò”. Rồi bà phân tích tung lò mò là đặc sản của người Chăm sông Hậu, An Giang. Đó là món ăn tận dụng phế phẩm bò sau khi chế biến món cà púa, dồn vào ruột bò với một số gia vị, đặc biệt là cơm nguội để lên men chua, đem phơi khô. Tung lò mò là món ngon của người Chăm nhưng không hợp khẩu vị người Việt.
Tri Tôn có chợ bò Tà Ngáo nổi tiếng. Thịt bò vụn, ê hề, đem băm sơ, ướp tiêu, bột ngọt, đường, muối và ngũ vị hương rồi dồn vào ruột heo làm sạch, phơi ráo, cột từng khúc nhỏ thành lạp xưởng bò tươi, nướng bán. |
Khi đĩa lạp xưởng bò đặt trước mặt, mỗi đứa cầm một cây nĩa nhỏ ghim khúc lạp xưởng bò nhỏ dài cỡ ngón tay cái, chấm muối tiêu chanh ớt cho vô miệng. Trời đất, miếng cắn ngọt xớt vì ruột heo bung bể. Rồi nữa, thịt bò băm miếng lớn miếng nhỏ, dai dai của gân, mềm mềm của nạc, sần sật của sụn nghe khoái cái lỗ tai. Nhưng khi vị ngọt mặn chua cay của miếng ăn, nhất là của một ít mỡ bò nóng hổi tươm đầy chân răng, thấm đẫm vòm họng và cả năm giác quan, mới biết cái sự thống khoái của thú ẩm thực đáng trân quý biết chừng nào. Đã nhất là mỗi khúc lạp xưởng là một “độc bản”, cho mình vị giác và xúc giác khác nhau.
Đâu đã hết. Thấy khách lạ phương xa mê mẩn món ngon của mình chỉ duy nhất có tại thị trấn Tri Tôn, bà chủ xăng xái đem chai rượu đục ngầu rót đầy hai ly mời uống. Thấy khách ngần ngừ, bà khích lệ: “Uống đi!”. Ly rượu ngọt dịu, chua êm làm tăng thêm sự khoái khẩu của những miếng lạp xưởng bò ấm áp khẩu cái. Bà cười bảo: “Nước thốt nốt lên men thành rượu, đặc sản mới có ở xứ núi này”. Rượu ngon, món lạ làm tăng hứng khởi cho mình trong tiết trời lành lạnh lâng lâng khoái cảm của mùa mưa Nam bộ. Mình ngồi bên nhau, bên nhiều khách phương xa cùng hân hoan thưởng món ngon xứ núi ấm lòng!
Nhưng rồi cũng đành phải chia tay bà chủ với bọc nilông đựng những khoanh lạp xưởng bò tươi được bà nướng sơ, để tủ lạnh đến mười ngày vẫn tốt. Khi dùng nướng hoặc chiên sơ là đã có mồi ngon đãi bạn.
CÚC TẦN
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận