“Nhất gái lớn 2 nhì trai lớn 1” có nghĩa là gì, tại sao?
Tại sao lại nói là “gái hơn 2, trai hơn 1”? Nếu bạn đang sắp lấy vợ hoặc được gả chồng mà nghe tới câu nói này rồi cứ ngồi để suy diễn, tính toán theo kiểu như người đời vẫn đang nghĩ thì chắc tới ba mùa quýt cũng chưa biết nên lấy ai và ai lấy đó… Gái hơn 2 trai hơn 1 có nghĩa là như thế nào?
Tệ hơn, người ta còn có thể khuyên bạn rằng: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Thậm chí trên nhiều trang web cũng như từ trước tới nay, người ta thường tự giải thích bằng cách hiểu như thế này – có lẽ là tự hiểu bằng cái cách hiểu nông cạn của mình rồi đem giải thích cái nông cạn ngờ ngệch đó cho người khác:
+ “Gái hơn 2” tức là con gái thì nên lấy chồng hơn mình 2 tuổi (nhưng hiểu phổ biến hơn là con trai thì nên lấy vợ hơn mình 2 tuổi) – quý nhất là cô vợ hơn anh chồng hai tuổi.
+ “Trai hơn 1” tức là con trai thì nên lấy vợ hơn mình 1 tuổi (hoặc có người hiểu là con gái thì nên lấy chồng hơn mình 1 tuổi).
Thật là một cách hiểu ngẩn ngơ, suy luận lơ tơ mơ…
Bản thân một câu nói với hai cách khuyên trái ngược nhau trên đã mâu thuẫn nhau rồi. Chẳng lẽ các cụ lại tự làm cho câu nói của chính mình thành dở hơi khi cho rằng “trai thì nên lấy cô gái hơn mình 2 tuổi” trong khi đó lại còn khuyên “gái thì nên lấy chồng hơn mình 1 tuổi”. Vậy cuối cùng chẳng ai lấy được ai cả đúng không?
Đây mới là nghĩa của “gái hơn 2 trai hơn 1”
Sau khi tìm hiểu từ rất nhiều người cao tuổi và bản thân tôi cũng tự chiêm nghiệm, suy nghĩ thì có thể ý các cụ xưa như thế này:
– Con gái thông thường đến tuổi thứ 13 thì bắt đầu dậy thì và có thể (bắt đầu) bước vào độ tuổi có thể sinh nở và cũng bắt đầu cập kê (biết yêu). Tuy nhiên, nếu tính từ lúc bắt đầu dậy thì thì phải khoảng 2 năm sau mới gả chồng và có thể sinh nở là tốt nhất, bởi lúc này các cơ quan trên và dưới mới đủ chín và nảy nở.
– Còn con trai thì thường phát triển chậm hơn, đến năm 16 tuổi mới phát triển giới tính nam. Và cũng tương tự, phải sau khoảng 1 năm thì sự phát triển đó mới đủ chín, có thể bắt đầu biết yêu, có thể cưới cho cô vợ.
Cách hiểu trên tôi còn tình cờ được nghe từ chính hai người khác nữa. Tìm hiểu sâu hơn thì hóa ra “như thế này”:
Lời các cụ xưa thường nói rằng: “Nữ thập tam (tức 13 tuổi), nam thập lục (tức 16 tuổi). Đây là độ tuổi mà nam và nữ bắt đầu cập kê.
Và tính từ cái mốc này, gái thì cứ hơn 2 tức 13+ 2 = 15 tuổi, trai thì hơn 1 tức là 16+1 = 17 tuổi là có thể cho chúng gặp nhau, yêu nhau, tìm hiểu thảo luận về nhau, thậm chí có thể “quan hệ” được rồi.
Do cách nói của các cụ xưa thường súc tích theo kiểu “ý tại ngôn ngoại” nên quen miệng nói: “Gái hơn 2, trai hơn 1” và không cần phải nói rõ, giải thích rõ nó như thế nào, nên theo thời gian, cùng với sự học ngày càng mất dấu, internet chưa phát triển, lại bằng truyền khẩu là chính, nên ngữ nghĩa cứ sai lạc dần, người đời cứ hiểu sai dần.
Bây giờ chắc bạn đã hiểu gái hơn hai, trai hơn một là gì và như thế nào rồi chứ?
Đừng có áp dụng cái kiểu lấy vợ thì hơn 2 tuổi, còn nếu lấy chồng thì nên hơn 1 tuổi mà rồi chẳng lấy nổi một mống nào nếu ai cũng đều làm theo cách hiểu như thế!
Cái câu “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” lại càng là một câu suy diễn ẩu từ cách hiểu sai ở trên của rất nhiều người. Nói tóm lại, chả có nhất với nhì ở đây cả.
Bây giờ thì con gái phải đủ 18 tuổi trở lên mới được cho phép lập gia đình, yêu đương ân ái. Còn con trai thì nên sau khi học xong cao đẳng – đại học và có công ăn việc làm đàng hoàng tử tế hãy lập gia đình.
Đành rằng vẫn có rất nhiều trường hợp “gà ri gáy sớm” nhưng theo bạn, con trai nên cưới vợ ở tuổi nào là phù hợp nhất?
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận