Công dụng trị bệnh của mâm ngũ quả ngày Tết
7. Hồng (Hồng hào, Tươi tốt)
Cây hồng còn gọi là hồng thị, thị đinh, quân thiên tử, cậy… Trong quả hồng tươi có chứa: 88-90% nước; 0,7-0,9% protid; 0,1% lipid; 6,2-8,6% glucid; 10 mg% Ca; 19 mg% P; 0,2 mg% Fe; 0,16 mg% caroten; 16mg% vitamin C; 0,3 mg% vitamin P…
Tai hồng là phần đài còn đính vào quả khô, được dùng làm thuốc với tên thị đế (Calyx Kaki).
Trong sách Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh viết như sau: “Hồng thị là quả hồng, vị ngọt hơi chát, tính hàn lành, nối liền khí kinh mạch, làm mát dạ dày, nhuận trong miệng, hòa trong ruột, thông được tai mũi. Khi uống rượu thì không nên ăn hồng vì dễ say hoặc sinh ra đau tim”.
Quả hồng khô (mứt hồng) vị ngọt, tính bình, không độc, nhuận phế, nhuận tâm, hòa vị, tiêu đàm, giáng hỏa, hỏa huyết. Có tên là bạch thị hoặc thị bánh”.
Vị thuốc thị đế có vị đắng, tính ôn, vào kinh vị, tác dụng ôn trung, giáng khí. Thường dùng chữa nấc, đầy bụng, nôn ói, ợ hơi. Ngày dùng 8 – 16g sắc uống.
Ngày nay ở Trung Quốc, người ta còn dùng thị tất (Succus Kaki Siccatis) là nước ép từ quả hồng chưa chín, phơi hay sấy khô, để chữa cao huyết áp, cầm máu, trĩ.
Vị thuốc thị sương (Saccaharum Kaki) là chất đường trong quả hồng chảy ra khi người ta ép để làm mứt, cho vào nồi đun lửa nhẹ đến khi cô lại thành châu thì đổ ra khuôn, phơi hoặc sấy nhẹ cho khô se, cắt thành từng miếng rồi phơi sấy cho khô hẳn. Thị sương dùng chữa ho, viêm họng khô rát.
Ngày nay, người ta còn dùng quả hồng chữa bệnh theo những cách sau :
– Hồng khô + mộc nhĩ đen để chữa táo bón, trĩ ra máu.
– Hồng khô sấy dòn, tán bột chữa đường tiêu hóa sưng đau.
– Hồng khô + trà + đường phèn chữa ho đàm, ho ra máu.
– Hồng khô + váng sữa + mật ong chữa tỳ vị yếu, ăn uống kém.
– Nước ép hồng tươi + sữa tươi hoặc nước cơm rất tốt cho người cao huyết áp.
Ngoài ra, người ta còn dùng lá hồng 10g + trà 6g, sắc uống hàng ngày để chữa cao huyết áp, ngừa xơ vữa động mạch. Vỏ quả hồng phơi khô 50g đốt tồn tính, tán bột mịn, trộn với dầu mè bôi chữa viêm da lở loét.
Những người bị huyết áp thấp không nên ăn hồng.
8. Dưa hấu (Tốt đẹp, viên mãn, trung thực)
Dưa hấu có ruột đỏ (may mắn), vỏ xanh (thanh xuân), hạt đen (duyên dáng), lớp cùi vỏ trắng (thanh khiết, trung thực).
Trong dưa hấu có chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị như citrulin (0,17% của dịch quả), caroten, lycopen, manitol, vitamin A, vitamin C, vitamin B, , PP, acid folic…các chất khoáng vi lượng (Fe, P, Ca, Mg…), rất giàu chất pectin, kali (116mg%)… Hạt dưa hấu có chứa dầu (20-40%).
Theo đông y, thịt quả có vị ngọt nhạt, tính hàn, tác dụng giải khát, giải say nắng, trừ phiền nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, sinh tân dịch. Vỏ quả dưa hấu có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải thử độc, chỉ khát, lợi tiểu. Hạt dưa có vị ngọt, tính hàn, tác dụng hạ nhiệt, hạ khí, lợi tiểu.
Ngày nay, người ta dùng quả dưa hấu trong trường hợp cao huyết áp, nóng ở vùng bàng quang, tiểu buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, đái tháo đường, say rượu, cảm sốt do thử nhiệt, phiền khát, chữa lỵ ra máu và ngậm với muối nuốt nước chữa viêm họng. Ngày uống 2-3 chén nước ép dưa hấu.
Người Trung Quốc cho rằng nếu vào mùa hè, mỗi ngày ăn được 3 miếng dưa hấu thì chẳng cần gì đến thuốc thang. Tuy nhiên, những người thận suy đi tiểu nhiều, người tỳ vị hư hàn, bụng lạnh, dễ tiêu chảy, hay buồn nôn thì không nên ăn dưa hấu.
Trường hợp dùng dưa hấu để trị liệu thì không được ướp lạnh, chỉ dùng tươi mới tốt. Dưa hấu là thức ăn rất tốt cho người đái tháo đường, mập phì và người cao tuổi. Khi bổ ra thì phải ăn ngay, không nên để lâu vì dễ nhiễm trùng, ăn vào đau bụng (các cụ ngày xưa cho là dưa bị hở nên có gió nhập vào).
Tuy dưa hấu là thứ giải khát tốt nhưng không nên ăn quá nhiều trong một lần, nhất là đối với những người tì vị hư hàn.
Người ta còn nghiền thịt dưa hấu thành bột nhão làm kem đắp lên mặt để dưỡng da, an toàn, không bị dị ứng, ngừa nám da, khô da. Mỗi tuần làm khoảng 2-3 lần, đắp mặt nạ dưa hấu chừng 15-20 phút rồi rửa sạch.
Vỏ quả dùng giải say nắng, chữa sốt cao, khát nước, đi tiểu ít, tiểu lắt nhắt, phù thũng, miệng lưỡi sưng lở. Có thể dùng tới 40g vỏ quả sắc với 500ml nước sôi uống thay trà, hoặc dùng vỏ quả khô đốt ra than, tán bột ngậm chữa miệng lưỡi sưng lở.
Hạt dưa hấu dùng chữa đau lưng, trị giun sán, phụ nữ hành kinh quá nhiều. Ngày dùng 12-16g sắc uống. Ngoài ra, hạt dưa hấu còn được người Trung Quốc dùng để mát phổi, tan đàm, nhuận trường, lợi tiêu hóa.
Rễ và lá dưa hấu dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ vào mùa hè.
Lớp cùi vỏ trắng (nhiều citrulline hơn thịt quả), có tác dụng làm lành vết thương, lợi tiểu, giải khát, tăng cường sinh lực. Thường dùng làm rau trộn, xào thịt, làm nhân bánh.Cùi trắng của dưa hấu xắt lát mỏng rồi ngâm dấm để làm dưa chua, ăn khai vị rất ngon miệng, thích hợp vào mùa hè.
9. Chuối (Bình an, đa phúc lộc)
Quả chuối còn xanh chứa 10% tinh bột và 6.53% chất tanin.
Quả chuối chín có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Trong 100g chuối chín có chứa: glucid 26.1g, protein 1.2g, lipid 0.3g, tro 0.8g, Ca 12mg, P 32mg, Fe 0.8mg, các vitamin A (beta caroten) 225 microgam, B1 0.03mg, C 14mg. Ngoài ra còn có Mg, Na, S, Zn… Xét về mặt dinh dưỡng, chuối có giá trị hơn cả khoai tây và tương đương với thịt. 100g chuối cung cấp cho cơ thể 100 calo và dễ tiêu hoá.
Quả chuối chín có tác dụng nhuận trường, chống scorbut và thúc đẩy sự lên da non của các thương tổn trong ruột, trong viêm ruột kết có loét.
Khi mới bị táo bón, chỉ cần ăn liền 3-4 quả chuối tiêu sau bữa cơm chiều, sáng hôm sau sẽ dễ đi cầu. Nếu bị táo bón lâu ngày thì nên dùng quả chuối mật mốc (chuối lá) thật chín, đem nướng đến khi cháy gần hết vỏ, lấy ra bóc ăn, khi chuối còn nóng, sau 30-60 phút sẽ thông đại tiện. Trường hợp phân bị vón quá nhiều, thì sau 20 phút ăn tiếp một quả nữa rồi uống thêm một cốc nước muối pha loãng.
Chuối chín là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho mọi người, từ trẻ đến già, từ lao động trí óc đến lao động chân tay. Nó giúp ích cho hệ xương, cho sự sinh trưởng cân bằng hệ thần kinh. Người ta sử dụng chuối để trị tiêu chảy, kiết lỵ, chống rối loạn ruột và dạ dày, chữa viêm ruột. Chuối được coi là một loại trái cây lý tưởng cho những vận động viên, nhất là những vận động viên thể hình.
Theo các nhà khoa học của Đại học John Hopkins (Mỹ) thì chuối là loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất cho những người nghèo. Các bệnh nhân cao huyết áp ăn mỗi ngày 2-3 quả chuối, liên tục trong một tuần có thể giảm trị số huyết áp khoảng 10%.
Bột của quả chuối xanh có tác dụng chữa loét dạ dày có hiệu quả. Cách chế bột chuối như sau : Phơi quả chuối xanh trong im (phơi âm can) hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, sau đó tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một muỗng canh bột chuối, hoà với nước ấm, uống lúc không no không đói quá.
Người ta còn dùng quả chuối xanh non để chữa hắc lào mới phát: Trước tiên, ta rửa sạch chổ lở ngứa bắng nước ấm, gãi cho trợt da ra, lau khô rồi lấy quả chuối vừa bẻ trên buồng ra, cắt dần từng lát, cho nhựa chuối tiết ra mà chấm, bôi, xát vào chỗ đau. Làm 4-5 lần sẽ khỏi.
Hoa chuối (ba tiêu hoa) có tính ấm, vị chua mặn, tác dụng làm ấm dạ dày, tan đàm, làm mềm u nhọt, thông kinh. Người ta dùng hoa chuối để làm thực phẩm (gỏi, rau độn trong dĩa rau xanh của bún, lẩu…). Món hoa chuối xắt nhỏ, luộc chín, trộn với muối mè hoặc đậu phụng rất tốt cho phụ nữ ít sữa sau khi sinh và người già bị táo bón.
Lá chuối được dùng làm thuốc chữa một số bệnh ngoài da. Dùng lá chuối rửa thật sạch, nghiền nát rồi trộn với nước gừng tươi để đắp chữa nhọt độc mới phát. Lấy lá chuối nghiền nát, trộn với lòng trắng trứng gà hoặc dầu mè để chữa các vết bỏng lửa, bỏng nước sôi. Nước của thân cây chuối hoặc củ rễ chuối được dùng uống trị sưng tấy, làm thuốc giải nhiệt, chữa nóng quá phát cuồng. Dùng ngoài rửa thật sạch, giã nát đắp vào chỗ đau, nhọt độc sưng nhức.
10. Lựu (Đa phúc, đa lộc)
Quả lựu có nhiều hạt nên được tượng trưng cho sự phồn thịnh, đa phúc, đa lộc. Ở Việt Nam, lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh, lấy quả ăn và lấy vỏ quả, vỏ rễ, vỏ thân, hoa, thịt quả để làm thuốc.
Đông y dùng các bộ phận của cây lựu làm thuốc từ rất lâu đời. Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả lựu có vị ngọt, chua, chát, tính ấm, hơi độc, tác dụng làm nhuận được họng bị khô náo, trừ được lao. Rễ dùng sát trùng rất tốt và trị được huyết lậu. Tuy nhiên nếu ăn nhiều quả lựu sẽ bị hại phổi, tổn răng.
Ngày nay, người ta biết rằng nước quả lựu giàu chất chống ôxy hóa polyphenol, vitamin B1, B2, vitamin C, Ca, Na và P, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, bệnh Azheimer và cả ung thư. Những người bị huyết áp cao, uống 50ml nước quả lựu mỗi ngày trong 2 tuần liên tục có thể hạ được 5% mức huyết áp. Nước lựu có tác dụng tăng cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu LHD với tỉ lệ là 20%, giúp làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch.
Ngoài ra, nước lựu còn có tác dụng khử trùng và giúp phụ nữ đối phó với các triệu chứng của thời mãn kinh. làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch. Dầu hạt lựu có khả năng ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư da nhờ khả năng làm mau liền da trong trường hợp da bị thương tổn
Trong dân gian, người ta dùng thịt quả để trợ tiêu hóa, trợ tim. Dịch quả tươi giúp hạ nhiệt, làm mát. Hạt giúp tiêu hóa tốt hơn. Hoa dùng chữa viêm tai, đề phòng chảy mủ tai.
Vỏ quả cây lựu có vị chua, chát, tính ấm, tác dụng sáp trường chỉ tả, chỉ huyết khu trùng. Thường dùng chữa tiêu chảy, lỵ ra máu, tiểu ra máu, băng huyết, bạch đới, thoát giang, đau bụng giun. Ngày dùng 15-30g dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các chất thơm cho dễ uống.
Vỏ thân và vỏ rễ có vị đắng, chát, tính ấm, có độc, tác dụng sát trùng, trừ sán. Thường dùng trị giun, đặc biệt có hiệu quả đối với sán xơ mít ở người và đối với cả sán ở súc vật nuôi trong nhà. Ngày dùng 20-60g dạng thuốc sắc. Ngoài ra, nước sắc vỏ rễ và vỏ thân còn dùng làm thuốc ngậm chữa đau răng.
Cần lưu ý là khi dùng vỏ quả khô, vỏ thân, vỏ rễ khô thì thuốc phải được bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm. Những người thể trạng hư yếu, phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng vì thuốc có độc.
11. Quất (Sung túc, đa lộc)
Quả quất rất giàu chất pectin, chứa vitamin C với hàm lượng 0,13-0,24 mg %, dịch quả có đường, acid hữu cơ nên có vị chua, hơi ngọt. Trong vỏ quả, lá tươi và chồi có tinh dầu 0,21%.
Theo Đông y, quất có vị chua, hơi ngọt, tính bình, không độc. Dùng chữa gan uất kết, dạ dày yếu, tiêu hóa kém, thực tích, chứng ách nghịch, ho, viêm họng, đàm tích, ẩu thổ, tiêu khát, trừ uế khí, giải độc rượu.
Người ta cất giữ quả quất lâu năm bằng cách làm quất muối như sau: Rửa quả quất thật sạch, để ráo nước, xếp vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh, cứ 1 lớp quất xen với 1 lớp muối ăn, rồi đem phơi nắng. Thời gian cất giữ càng lâu, công hiệu càng tăng. Khi sử dụng, lấy 5-10 quả quất muối nấu nước uống, hoặc đâm nát ra, chế nước sôi để uống. Trị ho đàm, khô cổ, nặng ngực sau khi ăn, đàm vướng trong cổ không khạc ra được. Nếu dùng giải khát bổ phế thì lấy 1-3 quả đâm nát, hòa với nước đường hoặc nước pha mật ong để uống.
Người ta thường chế mứt kim quất để ăn, vừa bổ dưỡng lại trị được ho đàm, tăng cường tiêu hóa, chữa các chứng ách nghịch.
Quả quất ngâm rượu uống chữa tì vị yếu (hư hàn), can khí uất kết, trừ đàm tích và ẩu thổ. Liều dùng 30-50ml một ngày, uống trước bữa ăn. Xirô quất dùng giải khát, bổ dưỡng, trợ tiêu hóa.
Ngoài ra quất cũng được dùng làm thuốc chữa ho trẻ em theo cách sau: Quả quất chín 10g, hoa hồng trắng 10g, hạt chanh 10g, cho vào bát cùng với đường phèn hoặc mật ong, đem chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm 15-20 phút, lấy ra nghiền nát cho uống.
12. Bưởi (Phúc lộc, viên mãn)
Bưởi là loại trái cây rất được ưa chuộng của người Việt Nam. Vào những ngày lễ tết, những quả bưởi tươi thắm luôn được bày trên mâm ngũ quả của các gia đình.
Về mặt dinh dưỡng, trong 100g phần ăn được của bưởi có chứa các chất sau: Nước 80g; protid 0,6g; glucid 9g; lipid 0,1g; các khoáng chất chất: Ca 23mg; P 18mg; Fe 0,5mg; Cellulose (chất xơ) 0,7mg, các vitamin: B1 0,04mg; B2 0,02mg; PP 0,3mg; C 95mg. Cung cấp cho cơ thể 30 calo.
Theo y học hiện đại, nước bưởi giúp hạ đường huyết. Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được tiểu đường. Những người bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, dùng dịch quả bưởi rất thích hợp.
Những hoạt chất khác tìm thấy trong bưởi giúp sản xuất chất xúc tác enzymes, ngăn ngừa ung thư; và một chất khác, chất bioflavonoids, giúp ngăn trở các hoạt động của các hormon phát triển bướu u.
Ngày nay, các nhà khoa học còn ghi nhận quả bưởi có tác dụng chống viêm, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu và cải thiện độ bền vùng thành mạch. Do đó, bưởi có tác dụng làm giảm nguy cơ suy tim, làm vết thương mau lành, giảm đau nhức các khớp, phòng ngừa ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến, chống hoại huyết.
Ăn bưởi thường xuyên cũng sẽ rất có ích cho người bị bệnh thấp khớp, viêm khớp, lupus, hoại huyết, kinh phong.
Theo đông y, tép bưởi có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng tiêu thực, lợi tiêu hoá, tiêu đàm, lợi tiểu, bổ dưỡng cơ thể. Thích hợp với người ăn uống kém, ăn uống không tiêu, đi tiểu ít, dễ xuất huyết, phụ nữ có thai bị nôn nghén, người bị tiểu đường, mập phì, cao huyết áp, đau nhức các khớp, ngộ độc rượu, tinh thần không thư thái.
Y học dùng nhiều bộ phận của bưởi để làm thuốc như vỏ quả, vỏ hạt, hạt, lá, hoa, dịch ép nước bưởi.
Theo đông y, vỏ quả bưởi có vị đắng, cay, tính không độc, trừ đàm, táo thấp, trị trường phong hạ huyết, tiêu thủng, giảm đau, hòa huyết. Bỏ lớp trắng, chỉ lấy lớp vỏ vàng, sao lên mà dùng. Người Trung Quốc dùng vỏ quả bưởi để trợ tiêu hóa, làm long đàm, trị ho. Ngày dùng 4-12g sắc uống.
Tinh dầu của vỏ bưởi giúp kháng viêm, làm giãn mạch, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm, thường được dùng trong liệu pháp nấu nồi xông giải cảm.Lấy vỏ bưởi tươi, gừng tươi giã nát, đắp vào chỗ khớp xương đau trị được bệnh đau xương khớp. Vỏ bưởi ướp đường ăn chữa say xe, say sóng, trẻ em đầy bụng.
Đặc biệt trong cùi trắng của quả bưởi có tác dụng làm giảm cholesterol – huyết, bảo vệ tính bền của mạch máu, phòng chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não.
– Lá bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, khai uất, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đàm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.
– Hạt bưởi có vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị đau thoát vị bẹn, sa đì. Hạt bưởi giã nát sắc uống dùng chữa sa ruột, sa nang.
– Vỏ hạt bưởi có nhiều pectin, được dùng làm thuốc cầm máu.
– Hoa bưởi dùng làm hương liệu gội đầu hoặc nấu chè rất thơm ngon.
Toàn bộ quả bưởi (cả vỏ lẫn múi) xắt nhỏ sắc uống có thể chữa mẩn ngứa da do dị ứng.
Bưởi đào hay bưởi hồng chứa nhiếu chất beta-carotene, lycopen.Loại bưởi này cũng chứa nhiều chất xơ và ít calories, nhiều chất bioflavonoids và một vài hóa chất khác có tác dụng giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và tim mạch. Bưởi hồng còn có khả năng làm giảm mức độ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nơi đàn ông.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận