Bộ dụng cụ với 20 món đơn giản gắn liền với cuộc đời của vua săn voi Khun Ju Nốp, và tiếp tục giúp Ama Kông chinh phục 298 con voi.
Mong muốn các hiện vật này được biết tới nhiều hơn, ông Khăm Phết Lào, người con thứ 11 của ông Ama Kông, người được xem là vua săn voi, đã trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội. PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết, bộ hiện vật sẽ được bảo quản và bổ sung các tư liệu liên quan trước khi đem trưng bày chính thức.
 |
Ông Khăm Phết Lào (phải) trao hiện vật cho PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. |
 |
Bộ sưu tập có hơn 20 dụng cụ được chế tác để bắt, thuần dưỡng và quản voi. Với bộ đồ nghề thô sơ, Ama Kông đã trở nên nổi tiếng với thành tích săn được nhiều voi nhất Việt Nam (298 con). |
 |
Các ống tre đựng vật cúng tế, nến sáp ong của nhóm thợ săn voi. Bộ dụng cụ này được làm từ đầu thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, gắn liền với cuộc đời của vua săn voi Khun Ju Nốp (1828-1938) và Ama Kông (1910- 2012) ở bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk). |
 |
Cha con Ama Kông cùng người dân địa phương phải thịt rất nhiều con trâu mới có đủ lượng da để làm được một cuộn dây như vậy. |
 |
Dây da trâu (bên trái) có màu sẫm hơn lạt mây (bên phải). Sau khi làm thịt những con trâu lớn, người địa phương căng da của chúng trên một mặt phẳng rồi xén từ tâm của tấm da những đường tròn đồng tâm tạo thành một sợi dây liền mạch. Sau đó, các sợi dây được vuốt bằng mỡ trâu cho mềm để bện lại những cuộn thừng bắt voi. |
 |
Phần mũi sắt của chiếc gậy greo dùng để thuần dưỡng và điều khiển voi. |
 |
Vòng da (bên trái) và vòng mây (bên phải) để tròng cổ voi rừng. |
 |
Sừng min câu nước với sợi dây dài tẩm sáp ong vẫn còn tốt sau hàng chục năm. Vật dụng nhỏ này gợi lại hình ảnh đoàn thợ của Ama Kông băng rừng đi săn, phải tranh thủ thời gian tới mức không thể dừng lại múc nước, mà ngồi trên lưng voi thả sừng min xuống suối câu nước lên uống. |
 |
Sau khi bắt voi rừng về nhà, cùm chữ V được sử dụng để xích cổ voi lại. Đến khi voi biết sợ, không chống cự nữa, thợ thuần dưỡng sẽ cho voi ăn mía và cây rừng. |
 |
Tù và làm bằng sừng trâu của Gru – thủ lĩnh của nhóm săn bắt voi. Thông qua tiếng tù và, Gru có thể điều khiển cả đoàn tới 20-30 thợ săn và voi nhà. |
Quý Đoàn

Bình luận