Tương truyền ngày xưa có một chiếc ghe ngư dân từ đảo Lý Sơn đánh cá trên biển, không may gặp luồng cá Chuồn bơi ngược. Đàn cá đông đúc lên đến hàng triệu con cứ thế lao thẳng làm cho những chiếc ghe bị thủng và chìm dần. Sóng biển đã đưa những ngư dân trôi dạt vào hòn đảo nhỏ này, từ đó họ định cư tại đây.
Dân đảo có tập tục đặc biệt là từ xưa đến nay không tổ chức đám cưới rình rang. Nếu để ý nhớ nhung một cô gái nào đó, người con trai không cần mai mối như các nơi khác. Chàng trai chỉ cần nói với cha mẹ hoặc người thân để khi nhà gái có tiệc tùng, đám giỗ nhà trai sẵn dịp sang ăn cỗ và “đánh tiếng” ngư dân trên đảo gọi là “nói chừng”.
Nếu nhà gái đồng ý thì ngay sau đó chàng trai có thể đến nhà gái để ngủ qua đêm. Không cần nghi thức, nghi lễ cưới xin hay thách cưới gì cả. Với những gia đình có con gái thì thường sẽ có một căn buồng riêng. Ban ngày chàng trai đi biển cho gia đình mình tối về sẽ ngủ trong căn buồng nhà gái. Trong thời gian ngủ bên nhà gái nếu có xảy ra mâu thuẫn hay rạn nứt trong tình yêu thì hai bạn trẻ có thể chia tay mà không cần phải hòa giải hoặc ly hôn. Tục nói chừng là điều kiện tiên quyết để hai bạn trẻ qua lại với nhau và thành vợ thành chồng mà không cần thông qua bất kỳ hình thức nào.
Ngư dân đảo Phú Quý với lối sống mộc mạc và giản dị. Ảnh: Linh Phạm |
Trong quá trình sinh sống và ngủ chung của đôi bạn trẻ nếu cô gái sinh được con và đặc biệt là con trai thì cô gái mới chính thức trở thành thành viên của gia đình nhà trai. Đó là một tập tục và cũng là điều kiện bắt buộc để cô gái về nhà chồng, nếu không hai bạn trẻ cứ sống với nhau qua lại đến khi nào “kết thúc” mà không có điều tiếng hay sự dị nghị của hàng xóm láng giềng hay cư dân trong đảo.
Khi cô gái sinh được con trai, nhà trai nhân dịp đám giỗ hay tiệc tùng linh đình… sẽ nhân đó xin phép rước cô dâu, cháu nội về nhà sinh sống và được chính thức kết nạp thành thành viên của gia đình. “Nói chừng” trở thành tập tục độc đáo của người dân nơi đây thể hiện lối sống cộng đồng chân chất, ngay thẳng, mộc mạc.
Ngày nay, tập tục này đã mai một theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi phong cách cưới hỏi ở đất liền. Đồng thời nhiều cặp vợ chồng đã được vận động đăng ký kết hôn dù trong gia đình vẫn duy trì tập tục này như một nét văn hóa riêng.
Đảo Phú Quý được tạo hóa ban tặng nhiều nét đẹp đặc trưng độc đáo như ghềnh đá, vịnh hoang sơ, nước biển xanh trong vắt có thể nhìn xuyên qua làn nước 5-7m. Nhìn từ xa theo hướng Bắc, đảo có hình thù như một con cá thu nổi lênh đênh trên biển nên từ xa xưa đảo Phú Quý còn có tên gọi là “Cù Lao Thu”.
Đến Phú Quý du khách có thể khám phá vịnh biển Triều Dương hoang sơ, tham quan núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ bởi các tầng núi đá dựng đứng, căng lồng ngực để hít thở bầu không khí trong lành và dõi mắt ra vùng biển bao la của Tổ quốc thân yêu.
Cảnh sắc hoang sơ với những thuyền bè của ngư dân đảo. Ảnh: Panoramio |
Để tắm biển du khách có thể đến những bãi tắm hoang sơ như Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc Cá Doi. Với hơn 10 đảo lớn nhỏ du khách có thể dạo quanh để tìm hiểu về những vẻ đẹp thuần khiết mà tạo hóa ban tặng hay tìm hiểu lối sống giản dị mộc mạc của cư dân trên đảo như Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Đỏ, Hòn Đen…
Được thiên nhiên ưu đãi với những sản vật quý hiếm, du khách có thể thoải mái thưởng thức những vật phẩm ngon độc đáo nơi đây như hải sâm, da cá mú bông, cua huỳnh đế, ốc vú nàng, cá mú đỏ, rau cau chân vịt… Đặc biệt có cua mặt trăng được xem là đặc sản quý hiếm của đảo. Đến đây vào đúng thời điểm bạn sẽ được thưởng thức món cua mặt trăng tươi ngon mà không nơi nào có được.
Cua mặt trăng món ăn bạn nên thưởng khi đặt chân đến Phú Quý. |
Trà Khaly
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận