Chợ Na Mèo (Thanh Hóa) mang đậm bản sắc của một phiên chợ quê, với hàng hóa chủ yếu là các sản vật trong vùng như lợn cắp nách, gà mông, ngô nếp nương…
|
Cách thành phố Thanh Hóa hơn 200 km về phía Tây, chợ Na Mèo (gần cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn) là khu chợ biên giới độc đáo nhất xứ Thanh. Mỗi tuần, chợ được tổ chức một lần vào thứ bảy. Phiên đông người và kéo dài nhất chính là ngày thứ bảy cuối cùng trong năm. Hầu hết người đến chợ là cư dân các bản người Mông, Dao Thái ở huyện biên giới Quan Sơn và người dân Lào. |
|
Vì đường đất xa xôi có khi mất cả ngày đi bộ nên ngay từ chiều thứ 6, người dân đã bắt đầu gói gém hàng hóa, hành lý cho vào gùi sau đó từng tốp 5-7 người rủ nhau băng rừng xuống núi để chuẩn bị buổi chợ sớm. |
|
Không nhiều mặt hàng công nghiệp hiện đại và sầm uất như những khu chợ biên giới khác, chợ Na Mèo mang đậm bản sắc của một phiên chợ quê vùng biên dù vẫn được coi là chợ… quốc tế. Các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu là các sản vật địa phương và giá cả thường khá rẻ. |
|
Cá suối luộc hay nướng đánh bắt bằng phương pháp thủ công cũng được bán ở chợ Na Mèo. Ở vùng biên giới này, phương thức tự cung, tự cấp vẫn được thể hiện khá đậm nét. |
|
Ngô nếp nương, lợn cắp nách, gà mông… là những mặt hàng phổ biến. |
|
Những nải chuối rừng chín cây không ngâm ủ hóa chất có giá chỉ vài ba nghìn đồng. |
|
Lạc hun khói… |
|
… hay các loại thảo quả hái trong rừng già là những món ăn dân dã được bà con ưa thích. |
|
Chợ có những món hàng rất đặc biệt và chỉ hợp với khẩu vị người bản địa như thịt chuột, chão chuộc, nòng nọc hay các loài côn trùng… Trong ảnh là bọ hung – loài côn trùng có cánh thường sống trong các thân gỗ mục hay bụi rậm ven rừng – bị xuyên thành từng xâu, nướng giòn rồi bán làm món nhậu. |
|
Thổ cẩm là mặt hàng được phụ nữ dân tộc ưu thích trong ngày Tết. Chị Mùa Thị Sênh, dân tộc Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến phiên chợ Tết là cả gia đình bỏ cái nương, cái rẫy xuống chợ mua sắm. Vì đường xa nên Sênh bảo phải đi từ chiều hôm trước để cho kịp phiên chợ sáng. “Tao đã mua được vải về may váy chơi xuân, mua được thuốc lào cho chồng và mấy bộ quần áo mới cho con trai rồi. Năm nay ngô lúa được mùa nên nhà ăn Tết to”, Sênh tâm sự. |
|
Rất nhiều người dân từ bên nước bạn Lào sang buôn bán, trao đổi hàng hóa. Gà Lào, rượu Lào, thổ cẩm Lào… cũng góp mặt ở các sạp hàng ven chợ hay dọc các con đường mòn quanh bản Na Mèo. |
|
Ở khu chợ này đồng thời lưu hành 3 loại tiền là VNĐ, Kíp Lào và Đôla Mỹ. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng ai cũng có thể mua cho mình món hàng ưng ý bằng cách ra hiệu từ các ngón tay để phát giá sản phẩm. Ở chợ Na Mèo không có chuyện mặc cả giá, mua được hay không bà con cũng đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ. |
Thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết, chợ Na Mèo có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất và đời sống của nhân dân hai bên biên giới Việt – Lào. Những ngày cuối năm, số người đến chợ lên đến cả nghìn, đặc biệt nhân dân Lào chiếm gần một nửa. “Mọi người đến đây ngoài trao đổi, mua bán hàng hóa còn giao lưu văn hóa rất cởi mở và đoàn kết. Hầu như không bao giờ có mâu thuẫn tranh chấp hay xô xát trong buôn bán giữa nhân dân hai nước ở khu chợ Na Mèo”, thượng tá Dũng tâm sự. |
Lê Hoàng
Bình luận