Tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà (TP.HCM), thời xưa, có nhiều người chán nản cuộc sống đã tìm đến khu vực chiếc ao này quyên sinh. Đến năm 2008, Ban quản lý nghĩa trang đã tổ chức lấp ao nước này lại để lấy đất chôn cất. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn khẳng định các oan hồn vẫn quanh quẩn tại đây, thậm chí là leo lên ngọn cây hát cải lương vào ngày Rằm hàng tháng.
Tiếng hát cải lương trong nghĩa địa?
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất của TP.HCM. Nghĩa trang nằm ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A thuộc địa bàn quận Bình Tân. Trước năm 1975 đây chỉ là một khu nghĩa trang tự phát về sau chính quyền TP.HCM đã chính thức quy hoạch đây thành một nghĩa trang lớn bậc nhất thành phố với hơn 100.000 ngôi mộ.
Do đặc điểm nghĩa trang nằm ở ngay một trục đường lớn và khá gần với khu dân cư nên nơi đây cũng gắn liền với những lời đồn đại nhuốm màu ma mị khiến cho nhiều người không khỏi ớn lạnh khi đến khu vực này.
Tại khu đất chôn cất ở Bình Hưng Hòa có hai cái hồ rất lớn, một hồ nước nằm ở sát đường Bình Long ngày nay, còn một hồ nước khác nằm ngay trong khuôn viên giữa nghĩa trang. Có nhiều người xưa đặt tên cho cái hồ ở nghĩa nghĩa trang này là “hồ Âm Phủ”.
Cây cổ thụ này bị đồn là có oan hồn leo lên hát cải lương? |
Nhiều người cũng cho rằng, “hồ Âm Phủ” là nơi xuất hiện nhiều lời đồn ma quỷ nhất trong nghĩa trang, trong đó có lẽ lời đồn khiến nhiều người khiếp hãi nhất là lời đồn về “hồn ma hát cải lương”.
Theo người xưa kể lại rằng, lúc trước có một cô gái 16 tuổi là con của một ông quan Tây giàu có nỗi tiếng ở vùng Bình Chánh (thuộc đất Bình Hưng Hòa ngày nay) cô này rất mê ca hát đặc biệt là hát cải lương và sau đó cô gái cô đã đem lòng yêu một chàng trai trong đoàn hát cải lương nổi tiếng thời xưa. Do không muốn con gái mình yêu một chàng trai hát rong nên bố cô gái đã lên tiếng can ngăn và bắt chàng trai đi quân dịch.
Chàng trai đi quân dịch được vài tháng thì cô gái nhận được thông tin người thương đã tử nạn ngoài chiến trường. Ôm lòng uất hận, cô gái đã tìm đến “hồ Âm Phủ” để kết liễu cuộc đời mình. Mãi đến 6 ngày sau gia đình mới tìm thấy xác cô gái nỗi lên trên mặt hồ.
Về sau trong những đêm rằm người ta vẫn thấy một cô gái mặc đồ trắng đứng hát cải lương bên hồ. Người ta tin rằng đó chính là cô gái năm xưa do mang nỗi niềm uất hận nên oan hồn không thể siêu thoát.
Nhiều người dân sống sát nghĩa trang Bình Hưng Hoà luôn tin rằng oan hồn cô gái ấy linh thiêng lắm, mỗi đêm trăng rằm hàng tháng lại hiện hồn về ca hát trong đêm, tiếng hát văng vẳng vang ra tận khu dân cư gần đó khiến cho nhiều người ám ảnh vô cùng
Đặc biệt hơn, khi hồ nước này được san bằng thì người ta lại thấy bóng trắng ngày nào xuất hiện trên một cây cổ thụ gần đó. Nhiều người bảo rằng khi thấy hồn cô gái hiện về ai mà bỏ chạy thì tức khắc những ngày sau sẽ gặp nhiều chuyện không may…
Tượng quan âm trấn khu nghĩa địa
Quá trình thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân sống quanh nghĩa trang Bình Hưng Hoà được biết, khi những lời đồn ma mị về chuyện những oan hồn thường xuyên quấy phá thì một số người dân giàu có sống xung quanh đã mời những vị sư nỗi tiếng về tụng kinh cho các oan hồn nơi đây được siêu thoát.
Một điều kỳ lạ là khi các vị sư làm đến chuẩn bị làm lễ cúng ở khu nghĩa trang này thì bất ngờ các lư hương đều tắt lịm và không thể cháy lại được. Nhiều người cho rằng, đó là do các oan hồn hiện về quấy phá.
Tượng phật bà Quan âm được dựng trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà |
Tiếp đó, có một người trong vùng đã đi nhờ một vị sư sống ẩn cư ở vùng Bảy Núi (An Giang) về mới tụng kinh không bị quấy phá. Sau khi làm lễ xong, vị sư này dặn với một số người ở đây rằng: “Nơi đây nhiều oan hồn không siêu thoát quấy phá rất nhiều, nếu muốn vùng đất này yên bình và không còn người đến đây tự tử nữa thì phải rước một bức tượng phật về thờ trấn giữ cho nơi này bà con mới yên ổn làm ăn được”. Nghe lời của vị sư bà con trong vùng đã bàn nhau thỉnh một bức tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát về để đặt trong nghĩa trang.
Lúc đầu khi mới đưa tượng phật về thì mọi người định đặt tượng ở phái ngoài cổng nghĩa trang. Tuy nhiên, lúc này cả mấy chục thanh niên trai tráng không sao bê tượng xuống nỗi. Một vị cao niên thấy vậy mới bảo rằng: “Bồ Tát không muốn đặt tượng ở đây, nên cứ đẩy xe đưa Bồ Tát đi vòng quanh nghĩa trang đúng nơi nào dựng lại thì đó là nơi Bồ Tát chọn”.
Nghe lời vị cao niên, mọi người đẩy xe đi vòng quanh nghĩa trang. Khi xe thỉnh Bồ Tát đến một ngã tư trong nghĩa trang thì bỗng dưng xe vấp cục đá đứng lại. Và mọi người đên đưa tượng Bồ Tát xuống thì thấy rất nhẹ nhàng. Mọi người tin rằng Bồ Tát chọn đặt mình ở vị trí ngã tư trong nghĩa trang để trấn giữ yên bình cho nghĩa trang này.
Những câu chuyện ma quái, linh thiêng được nhiều người thêu dệt rất nhiều xung quanh nghĩa trang Bình Hưng Hoà, nhưng có một sự thật là hiện tại, có rất nhiều người dân đang sống trong lòng khu nghĩa địa này.
Chị Kiều Thị Ánh Liên, một cư dân đã sống rất lâu bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà khẳng định: Tôi sống trong nghĩa trang này hàng chục năm nay rồi nhưng vẫn chưa thấy bất cứ chuyện ma quỷ nào ngoài những lời đồn miệng của mọi người.Lý giải về những điều kỳ quái mà dân tình đồn đại, chị Liên cho biết: Theo tôi nghĩ do trước kia nạn mại dâm, ma túy ở nghĩa trang khá phổ biến nên người ta mới nghĩ ra những chuyện ma đầy ghê rợn đó để hù dọa những đối tượng xấu này không dám đến nghĩa trang mà thôi…
Bài tới: Ngôi mộ của Châu Phát Lai Em
Lâm An
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận