Trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn, lịch sử từng chứng kiến sức sống mãnh liệt của làng xã Việt Nam: Làng vừa giống như nước thu nhỏ vừa có những nét rất khác…
Có thể hình dung sự giống và khác nhau ấy qua chiếc quạt giấy, nó gồm 18 cái nan tre (hoặc gỗ) được gắn với nhau bằng cái đinh tán, hai đầu đinh tòe ra hình hoa nhài nên gọi là nhài quạt. Nếu coi nhài quạt rẻ quạt là hệ thống quan lại, trí thức, cũng là tư tưởng – xương cốt của triều đại, thì phần làng xã gồm cư dân và hương lý là giấy, là thân thể da thịt của chiếc quạt ấy. Da thịt ôm giữ xương cốt, tạo nên sức gió cho quạt – tức là làm nên giá trị của chiếc quạt ấy. Tuy nhiên, gấp lại hay xòe ra thì lại do hệ thống rẻ quạt – ở đây là hệ thống chính trị của triều đại. Xét về cấu trúc, rẻ quạt quan lại bao giờ cũng ngắn hơn phần giấy – da thịt – dân cư. Đó chính là cái làm cho làng khác nước.
Bác Hồ có lần nói vui: Trung ương bảo các đồng chí tiết kiệm, nhưng công văn về đến địa phương nó lại thành ra tiết canh chính là Bác muốn lưu ý đến đặc tính làng xã. Phần đất 5% hợp tác xã (hệ thống chính trị) để lại cho nông hộ, nông hộ muốn canh tác kiểu gì là tùy, hợp tác không can thiệp. Đó là phần giấy không có rẻ quạt vậy.
Mấy mươi năm kinh tế tập trung, bao cấp; đất 5% trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân trong khi phần 95% kia trở thành mối quan hệ hình thức giữa rẻ quạt và giấy quạt.
Làng xã – nơi chứa đựng phần lớn sức mạnh dân tộc (ảnh mang tính chất minh hoạ). |
Ông bà ta thường nói: Canh nông vi bản, lấy việc cày bừa gieo cấy làm căn bản, làm cơ sở hay chính là chỗ dựa cho mọi hoạt động kinh tế (thương mại, công nghiệp) và hoạt động chính trị của đất nước. Lại còn nói: Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông thì lại nhất nông nhì sĩ. Quả là những lời mộc mạc nhưng chứa đựng triết lý sâu sắc. Cũng rất tự biết mình, không dám đặt mình lên trên nhất, luôn coi tri thức (rẻ quạt) mới là bậc nhất trong việc dẫn dắt cộng đồng. Còn khi sĩ mà để cho cộng đồng phải vác rá chạy rông thì thật đáng xấu hổ.
Ấy vậy rồi nhờ Đảng kịp thời đổi mới, mở ra cơ chế khoán hộ theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI), vì thế mà ta quen gọi là khoán 10; rồi chỉ sau có 18 tháng Nghị quyết 10 đi vào đời sống, Việt Nam từ một nước năm nào cũng thiếu từ nửa triệu đến một triệu tấn lương thực đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo vào cuối năm 1988. Còn hơn thế, thành công bước đầu của đổi mới tư duy, đã tạo nên niềm tin mới vào chính mình, để đẩy mạnh đổi mới kinh tế. Trên cơ sở xuất khẩu gạo năm sau cao hơn năm trước, chúng ta mới rảnh rang mà tập trung cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đúng là canh nông vi bản.
Đến nay sự nghiệp công nghiệp hóa đã nhìn rõ được hình hài của tương lai đất nước. Ngoảnh nhìn lại, thấy sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ngoài gạo, cà phê, thủy sản… chúng ta đã tăng từ 12 lên 16 mặt hàng xuất khẩu, bình quân mỗi năm mang về độ 25 tỷ đô la xuất khẩu. Đó là những dấu hiệu đáng mừng. Là viên đá tảng để chúng ta bước chắc chắn về tương lai. Có thể thấy, ở chỗ này chỗ kia do nóng vội với công nghiệp hóa, còn quy hoạch treo, còn nông dân thua thiệt do mất đất canh tác. Nhưng nông nghiệp nông thôn vẫn biến cái điều tưởng như nghịch lý: Đất nông nghiệp bị thu hẹp, lao động ly hương đến các khu công nghiệp hay thành phố nhưng nông dân nông thôn cứ tạo ra cho mình những thành tựu năm sau cao hơn năm trước. Vậy là làng xã với nông nghiệp, nông dân nông thôn đã biến nghịch lý thành điều kỳ diệu.
Vâng, nhưng biến nghịch lý thành phép mầu là việc không thể kéo dài bởi vì cứ yên trí kéo dài thì chúng ta trở thành những người duy tâm. Câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương cho chúng ta một triết lý: Nỏ thần – nỏ bắn một lần ra nhiều mũi tên, khi địch đã biết rõ cơ chế ấy thì nó sẽ tìm ra cơ chế khác để khắc chế lại. Nhà vua “ngủ quên” trên vinh quang quá khứ, khi địch tràn sang lại cứ yên tâm mang nỏ thần ra dùng, liền thất bại. Cho nên, ngay từ bây giờ, chúng ta cần khắc phục những nghịch lý:
Cần tăng cường rẻ quạt – tri thức cho nông thôn. Một ông quan chức tỉnh Sóc Trăng, khi được báo chí nêu mới biết nghịch lý: Nhà nước chỉ mới đầu tư có 6.000VNĐ/năm cho công tác phát hiện bệnh trên mỗi hecta nuôi tôm. Hay ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, dân câu cá ngừ đại dương phải vay nợ bằng cách “bán lúa non” cho chủ vựa giá chỉ bằng non nửa; trong khi ngân hàng thì không dám cho vay vì…chưa có cơ chế. Lại như qua việc Nhật Bản viện trợ thiết bị câu cá ngừ, bảo quản cá ngừ để bán được giá cao, giá thế giới gấp hàng chục lần giá truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi; chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng tri thức, quản lý, rẻ quạt của chúng ta ngắn quá so với giấy quạt – da thịt – thân thể nhân dân. Gần đây, do việc tàu gỗ của ngư dân bị tàu sắt Trung Quốc đâm chìm, đâm hư hại nặng nề, Chính phủ mới gấp rút ra cơ chế đóng tàu vỏ sắt hỗ trợ dân. Nhưng ngư dân vẫn không mặn mà, vì theo kinh nghiệm cho vay đóng mới tàu đánh bắt khơi xa, cơ chế luôn luôn bị quá nhiều người toan tính lợi nhuận trước khi đến tay ngư dân.
Làng Việt – nơi chứa đựng phần lớn sức mạnh của dân tộc đang cần tái cơ cấu để tạo nên sức mạnh mới của thời hội nhập. Công nghiệp của chúng ta phần lớn đã thua trên sân nhà. Chỉ còn trông cậy vào nông nghiệp, nông dân – khi chúng ta công nghiệp hóa nền nông nghiệp, khi ấy mới thực là tăng cường sức mạnh toàn dân, sức mạnh dân tộc.
Nhà văn Văn Chinh
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận