Được biết, món bê thui Cầu Mống đã nổi tiếng từ khá lâu rồi, và do chính người dân sống bên bờ sông Cầu Mống, tại nơi này phát minh ra. “Món Bê thui” ấy với hương vị không thể lẫn đâu được, mang đậm bản sắc miền Trung và từ đó phát triển mạnh, được trong Nam, ngoài Bắc truyền tụng, thậm chí còn bay xa ra cả nước ngoài.
Nhưng rất hiếm người biết được chính ông Đợi (tên khai sinh là Nguyễn Lợi) – người con của vùng đất hạ lưu Thu Bồn – một anh hề của gánh hát bội xã Điện Phương vào những năm sau ngày đất nước giải phóng… là người đã khai sinh ra món đặc sản bê thui Cầu Mống này. Vì những người đầu tiên từng được nếm thử món bê thui do tự tay ông Đợi nghĩ ra, đến bây giờ họ đã già, một số đã về cát bụi.
Mới đây (6.2013), Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận xác lập kỷ lục đĩa bê thui Cầu Mống lớn nhất. Trước đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận bê thui Cầu Mống vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. |
Theo lời kể của ông Đợi, năm chừng 39 tuổi ông đi buôn thịt heo. Ngày ngày, ông đi khắp vùng sông Cái… để mua heo về, xẻ thịt, rồi gánh ra chợ bán kiếm lời. Một hôm, ông vào thị trấn Nam Phước gặp lúc gia đình nọ bán con bê (bò con) chừng 25kg, ông mua luôn. Thâm tâm ông mua con bê về xẻ thịt bán, kiếm lời bộ lòng, rủ anh em bạn cùng trang lứa nhậu chơi. Tới lúc dẫn chú bê con về nhà, ông lại thay đổi ý định xẻ thịt, mà cắt tiết rồi thui.
”Tui cắt tiết xong, mổ bụng con bê lấy hết bộ lòng ra rồi dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt dài xỏ dọc thân nó, để hai đầu thanh sắt lên hai chồng táp lô. Lúc đầu, tui và mấy thanh niên trong xóm dùng rơm đốt, nhưng rơm cháy nhanh quá nên phần lông bên ngoài con bê chỉ cháy sém, bèn chuyển sang dùng hom dâu và bã mía.” ông Đợi kể lại.
Hồi đó, cả vùng ni trồng dâu nuôi tằm, trồng mía làm đường nên hom dâu (củi dâu khô), bã mía (thân mía đã ép lấy nước) đâu thiếu. Thấy lửa cháy đượm, tui mới phân công, hai người thay phiên nhau quạt lửa, một người cầm bó đuốc hom dâu, bã mía đi tới, đi lui, thui dọc thân con bê cho đều.
Hơn 1 giờ sau, bộ da con bê sủi lên như những mũi trùn, tui dùng dao gạt, lấy vải lau sạch, rồi tiếp tục thui. Được 1 giờ nữa, lại gạt, lau những nốt sủi. Cần mẫn, tỉ mỉ cho tới hơn 3 giờ trôi qua thì da con bê đã chín vàng rộm. Tui và anh em cùng làm cắt thử một miếng thịt bê thui ra xắt mỏng như xắt thịt heo, lấy mắm cái (mắm nêm) giã ớt, tỏi cho vào, rồi cùng nhau đánh chén. Chu choa, thịt bê non thui nó mềm, thơm nức mũi chấm với mắm cái ăn vào sao mà ngon kỳ lạ.
Ngừng một lúc như để tận hưởng hương vị cái món bê thui ra đời từ hơn 40 năm trước, ông Đợi nói tiếp: “Sau đó, tui xả con bê thui thành bốn đùi treo lên trước hiên nhà, bà con trong xóm nghe đồn nên rủ nhau kéo tới ăn thử, ai cũng khen ngon. Rồi họ góp ý thêm cho tui làm món rau sống, bánh tráng nướng để ăn với thịt bê thui cho đậm đà hương vị. Chưa đầy buổi, món thịt bê thui sạch nhẵn, vợ tui lấy xương con bê đem nấu bún, người trong làng lại mua xương về nhậu, ăn bún xương khen ngon rần rần… Những ngày kế tiếp, tui đi lùng mua bê và thui một lúc 2 con, rồi tăng lên 3 con cũng bán sạch trơn. Thấy thực khách trong vùng khoái khẩu cái món lạ do mình “xuất kỳ, bất ý” mà nghĩ ra, thế là tui quyết định bỏ nghề buôn lợn, chuyển hẳn sang nghề bán bê thui…”. Và ông Đợi chính là người đã khai sinh ra quán bán bê thui tại Cầu Mống.
Bê thui được xắt thành từng lát mỏng, xếp đều đặn trên một đĩa tròn lớn, thường ăn kèm với bánh tráng cuốn mềm như bánh tráng cuốn thịt heo. Cũng có thể ăn kèm món bê thui với bánh tráng (bánh đa).
Nước chấm cũng phải lựa thật ngon, là thứ mắm ớt, tỏi, chanh, nhưng mang đậm hương vị miền Trung bởi cách chế biến nó. Bên cạnh đĩa bê thui còn có một khay rau sống gồm rất nhiều loại rau như: giá sống, bắp chuối, chuối chát, đu đủ ngâm, rau cần, khế chua, húng, tía tô, xà lách… Sự kết hợp mùi vị như thế làm cho thực khách có thể cảm nhận được đủ các mùi vị chát, ngọt, chua xen lẫn mùi hăng nhẹ, đăng đắng. Vì thế, gắp 1 miếng bê thui cùng rau sống chấm mắm nêm ăn là nhớ mãi 1 đặc sản của lưu truyền nơi xứ Quảng.
Nguyên liệu, cách thức chế biến: 1 con bê được chon để quay phải là con bê ít tuổi, nặng chừng 25kg – 35kg, đặc biệt phải chọn bê nuôi ở đồng bằng ăn cỏ. Khi thui bê bằng lửa than thì phải thui sao cho vừa lửa để thịt bên trong chín mềm và ngọt, da bên ngoài vàng ửng thì thịt ăn sẽ giòn và ngon.Nước chấm đúng điệu thì phải mua mắm nêm cá cơm, cá nục nguyên chất từ các làng chài của Cửa Đại, gạn ép xác, lọc lấy nước rồi chế biến, cho ớt, tỏi giã nhuyễn, ít gừng, mè rang vào, sau đó trộn đều. Rau sống thì nhiều thứ như bắp chuối chát non xắt thật nhỏ, trộn lẫn với cải non vừa nhú 2 lá, giá đỗ xanh, rau đắng, rau quế, thêm chuối sứ, khế chua thái lát. Trái chuối sứ phải không non lắm mà cũng không già lắm mới đúng điệu. Bánh tráng cuốn phải là bánh tráng của làng Phú Chiêm (miền Bắc gọi là bánh đa). Làng Phú Chiêm nay là Triêm Đông – Điện Phương. Bánh tráng được làm thứ gạo của cây lúa có rễ hút phù sa sông Thu Bồn. Bột gạo trộn hành, tiêu, tỏi, hay trộn mè trắng là món bánh tráng khoái khẩu của người xứ Quảng. Bánh tráng dày cũng thường được ăn kèm với bê thui. |
Bình luận