37. Bánh bèo bì (Bình Dương):
Bánh bèo bì được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì mang hương đậm đà đặc biệt. Bột gạo được đổ vào những cái chén nhỏ, đem hấp cho chín, trên mặt được phết lớp đậu xanh làm nhân. Bì được làm từ thịt lợn nạc khìa nước dừa, thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, trộn với thính vào cho thơm và thấm đều.
Bánh bèo chả bì. Ảnh: VK. |
Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn, không thể thiếu chén nước mắm pha chua ngọt cùng với tỏi, ớt, chanh.
38. Bánh khọt (Bà Rịa – Vũng Tàu):
Nguyên liệu làm bánh khọt là bột gạo, nhưng cách pha chế phải khéo léo. Bột nhiều hơn nước bánh sẽ khô và không có độ dai, còn nước nhiều hơn bột bánh lại bị nhão, không giòn. Trên nền màu trắng của bánh nổi bật màu đỏ của mấy con tôm lột sạch vỏ, màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, đôi khi lại có bột tôm xay rải lên mặt bánh.
Nước chấm dùng cho bánh khọt là nước mắm pha chua ngọt, vừa miệng thực khách. Bánh ăn kèm với đu đủ, cà rốt xắt sợi ngâm giấm đường, cùng các loại rau xà lách, húng quế, ngò gai, tía tô… làm cho món ăn thêm đậm đà hương vị.
39. Gỏi cuốn (Sài Gòn):
Món gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dị đều không mất đi nét đặc trưng vốn có: cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm, thịt. Món gỏi này đòi hỏi khéo tay khi cuốn, cuốn chắc tay, gọn ghẽ; có vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài…
Gỏi cuốn ngon, trước hết phải có nguyên liệu tươi, nhưng phần nước chấm lại là yếu tố quyết định. Khó có thể thống kê được ở Việt Nam có bao nhiêu món cuốn và mỗi món dùng loại nước chấm nào. Nhưng món gỏi cuốn tôm thịt có xuất xứ từ miền Nam được vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng thường được chấm với mắm nêm.
40. Chả giò (Sài Gòn):
Tùy theo từng miền, chả giò có tên gọi khác nhau. Nem rán là cách gọi ở miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là chả cuốn, còn ở miền Nam thì có tên chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng, nem Sài Gòn thường có thêm củ sắn cho mát ruột, không thì thay bằng khoai môn hoặc khoai lang. Riêng phần nhân chả giò thì cũng tùy nơi, tùy người mà được thay đổi một cách tinh tế, như nhân tôm, nhân hải sản…
Chả giò. Ảnh: VK. |
Chả giò Sài Gòn có nhiều loại: chả giò trái cây, chả giò chay, chả giò hải sản, chả giò gói bằng hoành thánh, chả giò rế, chả ram, nhưng dù sao cũng phải tùy theo nguyên liệu chính mà chọn các phụ gia và rau làm cho món ăn đậm đà và hợp khẩu vị.
41. Cơm tấm (Sài Gòn):
Cơm tấm thường được ăn với 4 món chính: sườn lợn nướng, bì lợn, chả, trứng ốp la. Trên nền cơm tấm trắng đang bốc khói là màu vàng của miếng sườn nướng, màu trắng đục của những sợi bì dai mềm, miếng chả được đặt vuông vắn bên cạnh hình tròn của trứng ốp la vừa chín tới.
Món này ăn kèm với cà chua, dưa leo xắt lát mỏng, cà rốt hoặc củ cải trắng ngâm giấm, đồng thời không thể thiếu được chén nước mắm được pha theo bí quyết riêng của từng quán, làm cho món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn.
42. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang):
Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế… ở chỗ không ăn với giấm, rau ghém, mà dùng giá, hẹ, chanh, ớt, nước tương.
Hủ tiếu Mỹ Tho. Ảnh: VK. |
Hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm). Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng, cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng. Hủ tiếu Mỹ Tho không có tôm và trứng cút như hủ tiếu Nam Vang mà chỉ là hủ tiếu lòng, hủ tiếu sườn hoặc thịt nạc sắp lên trên.
43. Bún cá Long Xuyên (An Giang):
Tô bún dọn ra trông rất bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc đồng và màu xanh của rau muống, rau nhút. Nồi nước lèo được nấu ngọt bằng chính cá lóc. Khi cá chín vớt ra, đầu cá để riêng còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh. Bún được bày trí ra tô, rau nhút bẻ cọng, rau muống bào thêm ít bắp chuối thái trông rất bắt mắt.
Bên cạnh tô bún là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn.
44. Vịt nấu chao (Cần Thơ):
Vịt nấu chao là món ăn phổ biến với người dân Nam bộ, nhưng món này ngon nhất là ở Cần Thơ.
Vịt nấu chao. Ảnh: VK. |
Để có một nồi lẩu vịt nấu chao ngon, người ta chọn vịt hoặc vịt xiêm (ngan) khoảng 1,5 kg. Vịt sau khi thịt và làm sạch, dùng rượu gừng bôi đều trên da, sau đó chặt miếng vừa ăn và ướp với gia vị gồm: tỏi, gừng, tiêu, ớt, nước cốt dừa và không thể thiếu là chao. Thịt vịt ướp khoảng 30 phút rồi mang đi chiên vàng. Khoai môn (sọ) xắt miếng vừa ăn cũng chiên sơ. Bỏ vịt vào nồi hầm với nước dừa tươi, đến khi thịt mềm thì bỏ khoai môn, hành tây, nấm rơm vào.
45. Cá thát lát 7 món Hậu Giang:
Hậu Giang là một vùng nguyên liệu cá thát lát dồi dào. Thát lát ở đây có thịt ngon hơn so với những địa phương lân cận. Chính vì thế có nhiều sản phẩm được chế biến từ loại đặc sản này và giữ được vị ngon, ngọt khác thường.
Cá thát lát là thương hiệu đặc sản Hậu Giang, khi chế biến trở thành những món ăn đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long này. Cá thát lát có thể làm các món: cá chiên sả ớt, lẩu cá thát lát với me chua, chả tơ hồng, chả ngũ sắc, chả dẹp, tộ Thiên Nga, lẩu chua.
46. Bánh cóng (Sóc Trăng):
Gạo làm bánh cóng là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột. Khâu pha bột là quan trọng vì nó quyết định hương vị độc đáo giữa bánh vùng này với vùng khác. Nhân bánh được tạo thành từ tép đất tươi hấp cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn.
Nước mắm là nước mắm cá cơm nguyên chất, thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi tạo thành một hỗn hợp màu hổ phách, ăn kèm với xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế, chuối chát, dưa leo tạo thành hương vị độc đáo, khó lẫn với món ăn nào khác.
47. Bún nước lèo (Sóc Trăng):
Vị mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.
Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo. Vì khi nấu nước lèo, người Sóc Trăng không cho trực tiếp các nguyên liệu vào nồi như thông thường mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến khi cái cốt tan ra. Ăn bún nước lèo không thể thiếu củ ngải bún, thơm (dứa), sả (sả nguyên cây và sả bằm) và một số loại rau ăn kèm…
48. Bánh tằm bì (Bạc Liêu):
Bánh tằm bì đặc sản ở Bạc Liêu. Ảnh: VK. |
Bột để làm bánh tằm phải là bột được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi đem xoay với nước muối pha loãng, sau đó được ngâm tiếp 2 đêm nữa. Giai đoạn quan trọng nhất là khuấy hồ bột. Bởi nếu khuấy quá cứng bánh tằm sẽ dễ gãy, nếu khuấy quá mềm thì bánh sẽ bị dính, không tách rời. Kế đến chọn loại thịt lợn mềm, đem luộc rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị. Đặc biệt món bánh tằm bì lạ miệng là nhờ nước cốt dừa. Bánh ăn kèm với rau sống, thêm một ít đậu phộng, dưa cải chua ngọt.
49. Lẩu mắm U Minh (Cà Mau):
Để có một lẩu mắm ngon (mắm kho cho vào lẩu), mùi thơm đặc trưng, phải làm sạch cá sặc bướm, đem phơi cho ráo, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt muối một thời gian.
Lẩu mắm U Minh. Ảnh: VK. |
Lẩu mắm ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, cải xanh, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi, đọt choại (loại rau chỉ có ở rừng tràm U Minh)… Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, cá sặc rằn, cá dầy, cá lóc… cùng “lên lửa” với nước cốt mắm sặc thơm lừng.
50. Chả trứng mực (Cà Mau):
Việc chế biến món ăn này cũng là một kỳ công. Mực được bắt trong đêm được xẻ ra lấy trứng. Khoảng 10-12 kg mực tươi thì có một kg trứng. Trứng mực quết chung với trứng vịt, thịt và gan lợn mà ngư dân mang theo ngay trên thuyền. Sau đó, hỗn hợp này được bóc từng cục vo tròn, ép dẹt và phơi khô trước khi đem về đất liền.
Trứng mực khi chiên lên có màu vàng rộm, béo ngậy và thơm lừng, là một món quà quý mà người Cà Mau dành đãi khách quý và gửi tặng bà con nơi phương xa.
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận