25. Mì Quảng (Quảng Nam):
Mì Quảng không phải là thứ mì nước, hay mì xào mà là thứ mì trộn. Nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, cá lóc, cua… Có cả mì chay cho người ăn chay. Tùy theo người thích ăn nhân nào sẽ có một bát mì như ý.
Khi ăn mì không thể thiếu bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, đậu phộng rang và dĩa rau sống (rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, rau húng, diếp cá, xà lách…) đi kèm.
26. Bê thui Cầu Mống:
Người thui bê phải điêu luyện biết điều chỉnh lửa to nhỏ đúng lúc. Ăn thịt bê thui Cầu Mống cùng rau sống đủ loại của vùng quê bên sông nước (tía tô, ngò thơm, xà lách, khế chua, chuối chát xát mỏng, rau húng, rau quế, giá…) cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm.
Bê thui Cầu Mống. Ảnh: VK. |
Khi đến quán bán thịt bê thui, khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt mông, da chế biến thành các món như xáo, gân, xương, bún tái…
27. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi):
Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão. Cá bống làm sạch, ướp nước mắm ngon, tiêu, nước màu… để độ mươi phút. Sau đó đổ thêm nước mắm ngon vào trách (nồi nấu) sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín.
28. Món don (Quảng Ngãi):
Don là một trong những món ăn rất độc đáo, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến.
Món ăn chế biến từ don. Ảnh: VK. |
Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là làm món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng… Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.
29. Bún chả cá Quy Nhơn:
Chả cá gồm chả hấp và chả chiên (chả chiên có 2 loại: bánh lớn và viên vo nhỏ cho vào nồi nước lèo) hấp dẫn thực khách bởi tính “hiền”, ăn dễ tiêu, ngon miệng của nó. Chả cá ngon là phải được làm từ cá mối, cá thuẫn tươi, cá chai, cá rựa…lóc lấy thịt đem xay nhuyễn và quết cho thật kỹ để chả dai, mịn.
Chả cá ngon còn là chả không tanh mùi cá, thơm gia vị và ngọt vị ngọt của cá… Nước dùng của bát bún là nước nấu từ phần xương và đầu cá sau khi đã lạng thịt xay chả. Nước cá này ngọt thơm đúng vị cá và ăn nhẹ bụng. Nồi nước chế thêm lớp dầu thắng với hạt điều để có màu đẹp.
30. Yến sào (Khánh Hòa):
Yến sào có tác dụng bổ dưỡng cao, làm cường tráng, dai sức, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết lỵ. Yến sào (tổ chim yến) có hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ…
Yến sào. Ảnh: VK. |
Cách chế biến tổ yến: Ngâm tổ trong nước lã 3-4 giờ hoặc nước nóng 30 phút đến một tiếng. Khi thấy các sợi dãi đã tã ra thì vớt lên (có thể xoa ít dầu lạc), nhặt hết lông chim, rác rưởi, rêu núi và các chất bẩn khác còn bám vào. Yến sào có thể chế biến thành nhiều món ngon như: chè yến, súp yến…
31. Bánh căn (Ninh Thuận):
Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm khoảng từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ rồi đem xay thành bột loãng. Đổ bánh căn dùng một lò đất nung tròn to, bên trên là khuôn bánh được khoét lỗ tròn đều, khuôn đổ bột khoảng 8-16 lỗ; phần thân lò để chứa than hồng. Thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ rồi đậy khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử lò và tráng khuôn.
Người ta dùng chiếc cạy bằng kim loại để đưa bánh ra khỏi khuôn. Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô lại, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín và có thể ăn được.
Bánh căn dùng nóng với nước mắm pha chua ngọt, ăn kèm với rau sống, bánh mì chiên giòn.
32. Lẩu thả (Bình Thuận):
Nước dùng của lẩu thả được chế biến đơn giản, không cầu kỳ như nguyên liệu dùng để ăn lẩu. Chỉ cần cho một ít cà chua và thịt gà cắt hạt lựu khử với dầu ăn, nêm nếm gia vị và sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi.
Lẩu thả đặc sản ở Bình Thuận. Ảnh: VK. |
Thưởng thức lẩu thả có 2 cách: Nếu thích sự đơn giản, bạn có thể chọn cách thưởng thức lẩu thả khô, chỉ cần bỏ một ít rau, bún; gắp một ít cá, thịt, trứng, bánh đa trộn với nước sốt; lẩu thả nước tương tự như cách ăn khô, chỉ khác ở chỗ là cá mai được thả vào trụng qua với nước dùng. Vì vậy cái tên “ lẩu thả” cũng xuất phát từ công đoạn này.
33. Gà nướng KonPlông (Kon Tum):
Đây là loại gà được nuôi ở trong bản. Để làm món nướng, gà được làm sạch sau đó mổ moi (ở phao câu) rồi dùng cây xiên từ hậu môn lên đầu, cho sả (đập dập), lá chanh vào trong bụng, khâu lại. Sau đó quết hành phi, xì dầu bên ngoài con gà rồi nướng trên bếp than. Vừa nướng vừa tiếp tục quết hành phi, xì dầu lên.
Khi ăn, xé gà ra từng miếng và chấm với muối ớt. Món gà nướng đẫm vị hơn khi được nhấm nháp bên ché rượu cần nồng đượm.
34. Phở khô (Gia Lai):
Sợi phở khô được làm từ bột gạo, không mềm và dẹp như sợi phở mà mảnh và dai như sợi hủ tiếu. Sợi phở khô trụng sơ rồi trộn với thịt bằm, bên trên rắc lớp hành phi vàng ươm, thơm phức. Nước lèo có thịt bò tái, gân, bắp, hoặc bò viên, cũng có thể là thịt gà, rắc thêm chút hành ngò xắt nhỏ, tiêu đen.
Phở khô. Ảnh: VK. |
Rau ăn kèm với phở khô chỉ cần xà lách, húng quế và giá trụng, trộn thêm chút tương nâu, món phở khiến du khách thưởng thức được hương vị món ăn mới lạ.
35. Canh atiso hầm giò lợn:
Món ăn không cầu kỳ, nhưng người nấu phải kiên nhẫn. Giò lợn sau khi ướp ngấm gia vị, cho vào nồi nước đã đun sôi, giữ lửa nhỏ và thường xuyên vớt bọt để nồi canh được trong, đồng thời giò lợn cũng được chín đều hơn.
Hoa atiso hầm giò lợn. Ảnh: VK. |
Khi đun nước giò lợn, người nấu khéo léo cho thêm củ hành tím để tạo mùi thơm, giúp cho giò thấm vị. Sau khi giò đã chín, cho hoa atiso vào, đun tiếp 10 phút cho hoa chín vừa, là món canh atiso hầm giò lợn đã hoàn thành. Đây là món ăn thơm mát là sự hòa quyện vị ngòn ngọt của cánh hoa atiso, thịt giò lợn mềm thấm vị, thêm chút nước canh đậm đà.
36. Bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh):
Để có món bánh canh Trảng Bàng thơm ngon, yêu cầu trước tiên là phải có những sợi bánh canh thật ngon. Bột bánh được làm từ loại gạo ngon, ngâm kỹ qua một đêm để gạo đủ độ mềm, sau đó đem xay nhuyễn, lọc, hấp chín để tạo thành những sợi bánh canh mềm, dẻo, trắng muốt.
Nước dùng bánh canh được hầm từ xương lợn, ngon nhất là loại xương ống. Khi đun, hớt bọt và canh lửa thật khéo để nước trong và thơm cùng với gia vị vừa ăn.
Món ăn này là sự hòa quyện đầy đủ vị béo ngọt của thịt, bánh canh thơm, dai cộng thêm với vị chua chua, mằn mặn, cay cay của nước mắm…
NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT
Bình luận